Là con vật quý nhất trong các loài vật, voi vừa gần gũi với con người vừa mang tính huyền thoại. Voi thường gắn với những câu chuyện, truyền thuyết về lịch sử lập quốc của nước Lào. Truyền thuyết kể rằng, ông tổ đầu tiên của người Lào tên là Khoun Borum. Ông được vua Trời cử xuống cai trị thần dân dưới mặt đất. Khoun Borum thường cưỡi trên con voi trắng. Một ngày ông phát hiện ra một dây leo có hai trái bầu khổng lồ. Khi chọc thủng trái bầu ra thì đàn ông, đàn bà, muông thú và hạt giống rơi ra. Với những con người, muông thú và cây cối, bảy người con trai của Khoun Borum đã chia nhau đất đai và thành lập nên bảy vương quốc Tai.

Vui đùa với voi
Con vật khổng lồ này từ lâu gắn với tên tuổi của vị hoàng đế nước Lào, đó là vua Fa Ngừm (1353-1373). Vị vua này đã có công thống nhất Vương quốc Chămpasăk ở phía Nam, Xiang Khoang ở phía Đông Bắc và Vương quốc Mương Swa và thành phố vương giả Luang Prabang. Dưới triều đại của ông, biên giới đất nước được mở rộng, bao gồm những vùng đất rộng lớn ở vùng tây nam Vân Nam, miền Đông Xiêm La (Thái Lan), cao nguyên Corat và phần lớn nước Lào ngày nay. Fa Ngừm đặt tên cho vương quốc của ông ta là Lane Xang, nghĩa là “Miền đất triệu voi”.

Voi nhà ở cố đô Luang Prabang
Thời đó, voi là vũ khí lợi hại nhất. Các nước đánh nhau đều dùng voi chiến. Với người Lào, voi là một sức mạnh, ưu thế của họ. Có lẽ, thời bấy giờ, Vương quốc Lào, dù có nhiều voi đến mấy cũng không thể lên đến triệu con. Phải chăng, vua Fa Ngừm phóng đại lên để dương oai về sức mạnh quân sự? Nghe đến “Miền đất triệu voi” khiến các nước láng giềng nể sợ, không dám gây chiến, xâm lược.
Ngày nay, có lẽ không còn là “Miền đất triệu voi” nữa, nhưng con voi vẫn là biểu tượng in sâu trong tâm trí của người Lào. Những con voi trắng (bạch tượng) có thời được gắn với hoàng gia, chúng vẫn còn là biểu tượng của vận may cũng như là những người bảo vệ cho đất nước.

Phù điêu voi ở di sản Vát Phu
Ở thủ đô Viên Chăn, một đại lộ đẹp nhất được mang tên Lane Xạng (Triệu voi). Con voi vẫn hiện hữu trong đời sống văn hóa, tinh thần của Lào. Ở đâu cũng thấy tượng, phù điêu, tranh voi, nhất là ở các công trình kiến trúc cổ, chùa chiền, công viên.
Bức bích họa voi trắng ở chùa Wat Ipeng (Viên Chăn) là tác phẩm hội họa dân gian đặc sắc, được giới thiệu trên nhiều sách báo.
Wat Xiêng Khuôn, công viên tượng Phật và tượng Hinđu, cách Viên Chăn 25km về phía Tây Nam do một vị sư tên là Bun Lửa xây dựng năm 1958, bên cạnh tượng phật nằm, tượng các vị sư sãi, tượng các thiếu nữ dâng lễ vật lên chùa… còn có nhiều tượng voi đặc sắc, làm đẹp cho vườn tượng có một không hai ở xứ này. Nơi đây có bức tượng voi 3 đầu lớn nhất nước Lào. Voi 3 đầu được các nghệ nhân tạc thành phù điêu, tượng tròn ở các công trình kiến trúc cổ.
Bảo tàng Quốc gia Lào ở cố đôn Luang Prabang có phù điêu, tranh vẽ voi 3 đầu. Chùa Wat Xiêng Thong là ngôi chùa hoàng gia cổ kính đẹp nhất nước Lào, được vua Sethathirat xây dựng năm 1559. Tranh ghép màu trên các bức tường của ngôi chùa miêu tả cuộc sống làng quê và cung đình, chủ đề con voi nổi bật trong các bức tranh, phù điêu trang trí nơi đây.
Về phía Hạ Lào, các tỉnh như Attapư, Chămpasăc là các địa phương còn giữ nghề thuần dưỡng voi. Một số tộc ở dọc biên giới Việt - Lào từ lâu đã có quan hệ mật thiết với nhau. Người Lào cũng vượt núi sang tận đông Trường Sơn để trao đổi, buôn bán các sản phẩm như váy Lào (myêng Lao), cồng chiêng (ching Lao), đồ trang sức, thuốc nhuộm vải… Họ cũng bán voi và truyền nghề thuần dưỡng voi rừng cho một số dân tộc như Tà Ôi, Bru-Vân Kiều ở Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế…

Đua Voi ở Tây Nguyên
Ngoài cái thú vui tham quan các làng voi, cưỡi voi vượt núi băng rừng, du khách được thưởng thức những bức phù điêu voi, tượng voi ở chùa Wat Phu, thuộc tỉnh Chămpsăk. Đây thực sự là những tuyệt tác của nghệ thuật điêu khắc cổ trên đất nước Lào. Những bức phù điêu trên trán cửa chính ở quần thể phế tích Wat Phu là những hình ảnh biết nói thể hiện tài hoa của người xưa. Các bức phù điêu sống động, miêu tả các vị thần, binh sĩ, hoa lá, mây trời, đặc biệt là phù điêu voi khắc trên trán cửa, bức tượng voi đá khổng lồ nằm về hướng trái của đền Thượng, hai hàng linga dẫn dắt lối đi vào di tích và cảnh quan thiên nhiên nơi đây đã làm cho Wat Phu xứng đáng được công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 2003.
Người Lào còn biết khai thác hình ảnh con voi trong kinh doanh, dịch vụ. Chợ đêm ở Luang Prabang hay các quầy hàng bán đồ lưu niệm ở Viên Chăn, các sản phẩm gây ấn tượng, bán chạy nhất đều có liên quan đến voi. Những bức tượng voi bằng gỗ, bạc, đồng luôn là mặt hàng lưu niệm ưa chuộng của du khách khi đến với đất nước Lào. Vải thổ cẩm dệt tay của Lào cũng đầy ắp hoa văn về con voi.
Con voi gắn với huyền thoại, lịch sử, cùng với hoa Chămpa, voi là biểu tượng của đất nước Lào. Đó cũng chính là lý do để nước chủ nhà Sea Games 25, được tổ chức vào năm 2009 tại thủ đô Viên Chăn, chọn chú voi Chămpa và cô voi Chămpi là vật linh cho cuộc hội ngộ của các quốc gia Đông Nam Á. Một hình ảnh vừa ngộ nghĩnh, hiền lành vừa thân thiện, mời gọi chúng ta đến thăm “Miền đất triệu voi”.