
Vua Duy Tân lên ngôi lúc 8 tuổi - 1907
Lúc đó vua đã phán với đình thần rằng:
- Nếu trong nước hay có loạn là vì nhân dân bị thiếu thốn. Từ nay sắp tới, lương bổng của ta 500$ một tháng, ta chỉ lãnh 200$ thôi, giao cho các thầy 300$ đem giúp đỡ những kẻ nghèo khó.(1)

Vua Duy Tân
Có lần vua hỏi cụ Hồ Đắc Trung - Thượng thư bộ Học, rằng:
- Thầy nghĩ sao về người Pháp đô hộ ta?
Cụ Hồ Đắc Trung tâu:
- Chúng ta bị trị còn biết nói gì nữa! Xin Hoàng thượng thận trọng, cố gắng học hành, đường còn dài, còn nhiều vận hội mới(2).
Đầu năm 1914, Duy Tân họp các vị thượng thư, chỉ thị cho hai người phải qua Pháp trình Tổng thống Pháp một dự án sửa đổi bản hiệp ước Patenôtre (1884) đã bị Pháp vi phạm rất nhiều. Không vị nào dám nhận sứ mạng này. Thượng thư Huỳnh Côn lại đi mách với Hoàng thái hậu để bà la rầy nhà vua một cách gắt gao.
Về sau, trong một buổi học chữ Hán với Thượng thư Huỳnh Côn, Duy Tân phàn nàn:
- Không có ông Thượng thư nào chịu nghe ta cả. Ta làm vua chỉ có hư danh thôi.
Huỳnh Côn tức tốc đi mời Chủ tịch hội đồng và Thượng thư bộ Hình đến. Duy Tân lặp lại câu đã nói đó. Nguyễn Hữu Bài đi ngang qua nghe được bèn tâu:
- Ngài muốn đánh Pháp, nhưng Ngài lấy gì mà đánh? Ngài không có tài chánh mà cũng không có quân đội.

Vua Duy Tân qua tuổi vị thành niên
Nhà vua làm thinh một chốc, rồi nổi giận la to:
- Lúc này chính là lúc phải kêu gọi quần chúng nhân dân nổi dậy, lúc mà nước Pháp đang lâm chiến.(3)
*
… Về mối tình dang dở của vua Duy Tân, được bà Hồ Thị Hạnh (sau này là Sư bà Thích nữ Diệu Không), đã kể lại trong hồi ký “Vua Duy Tân và gia đình Hồ Đắc Trung” (sắp xuất bản), như sau:
“Năm 1914, vua Duy Tân ra nghỉ mát ở cửa Tùng (Quảng Trị), thân sinh tôi là Hồ Đắc Trung theo hầu. Nhà vua lúc đó 15 tuổi, muốn có bạn chơi cùng lứa, nên truyền thân sinh tôi dẫn thêm anh chị em chúng tôi (hai anh tôi là Hồ Đắc Điềm và Hồ Đắc Di 15 và 16 tuổi, học sinh trường Albert Sarraut Hà Nội, chị tôi Hồ Thị Chi 13 tuổi, tôi Hồ Thị Hạnh 10 tuổi) cùng đi theo cho vui.

Nhà nghỉ mát của vua Duy Tân ở Cửa Tùng (Quảng Trị), phác thảo của Lê Văn Tùng, BAVH 1921
Mỗi buổi sáng, mặt trời vừa mọc, vua cho đòi đám trẻ đến để cùng đi ra biển bơi lội. Thân sinh tôi căn dặn chúng tôi phải giữ lễ vua tôi, không được tự do cười nói như đối với người thường, nhưng nhà vua lại rất dung dị, gọi các anh tôi bằng anh, gọi tôi bằng em. Ngài ít nói chuyện với chị tôi. Mỗi khi vui đùa cùng hai anh tôi và tôi, ở những trò chơi con nít, vua chỉ nhìn chị tôi mà không mời chơi. Khi nào Ngài cũng tỏ ra vui vẻ, song vẫn nghiêm trang. Chúng tôi rất mến Ngài, nhưng vẫn không dám cười đùa nhiều, sợ thân sinh chúng tôi mắng.
Tôi còn nhớ một hôm chơi bắt còng (dã tràng) ở bãi biển. Ai bắt được nhiều sẽ được thưởng. Ngài bắt được con nào thì thả con nấy. Chúng tôi lấy làm lạ.
Ngài bảo:
- Bắt chúng lên cạn chúng sẽ chết, chi bằng thả cho chúng được tự do bơi lội, ta nhìn xem cũng vui rồi.
Thế là chúng tôi cũng đua nhau thả hết. Ngài lấy làm thích thú, khi thấy mấy con còng lội tung tăng, Ngài nói với hai anh tôi:
- Ai bỏ tù chúng ta, chắc chúng ta sẽ khổ sở, vì khi mất tự do là mất tất cả.
Nói vậy rồi, Ngài thở dài kém vui. Nhưng sau đó, Ngài lại hồn nhiên như tuổi trẻ chúng tôi và lại vui đùa như cũ.

Cô Hồ Thị Hạnh tuổi đôi mươi. Ảnh TL của gia đình Hồ Đắc
Mùa hè gần mãn, vua tôi bịn rịn lúc chia tay. Chị tôi ứa lệ nhìn Ngài. Ngài bảo nhỏ tôi:
- Dỗ chị đi em, rồi sang năm chúng ta sẽ gặp nhau lại.
Năm sau gần đến hè, chị tôi xin đi theo chúng tôi ra cửa Tùng. Thân sinh tôi bảo:
- Con đã lớn rồi, phải ở nhà với mẹ, không được đi nữa.
Thế là chị tôi phải ở nhà, khóc sưng cả mắt. Khi ra đến cửa Tùng, gặp lại chúng tôi, Ngài hỏi:
- Sao thiếu mất một người?
Tôi tâu:
- Mẹ chúng tôi bắt chị tôi ở nhà, chị ấy khóc quá.
Ngài nói:
- Thật là tội nghiệp cho chị ấy!
Mãn hè một tháng, một hôm có người thị vệ đến xin ảnh chị tôi đem vào nội cho hai ngài Thái hậu xem mặt.
Một tuần sau, hai Ngài cho đòi thầy mẹ tôi vào chầu và sau đó, tôi thấy kiệu vua đệ ra nhà tôi một đôi bông tai và một đôi vòng vàng cho chị tôi, thầy mẹ tôi quỳ lễ bái lãnh. Đó là “lễ hỏi” của vua dành cho chị tôi.
Chị tôi cũng ra lạy tạ ân vua hạ cố.
Vào khoảng tháng 12 năm 1915, một hôm thầy tôi ở triều về gọi mẹ tôi vào buồng nói rất khẽ và nghe tiếng ngập ngừng như đè nén hơi thở để khỏi bật ra tiếng khóc. Năm ấy tôi đã 12 tuổi mà cũng đã tinh ý, giả bộ xô cửa bước vào tự nhiên, thấy mẹ tôi mắt đỏ hoe. Mẹ bảo tôi ra gọi chị vào.
Trông thấy chị tôi, thân sinh tôi nói:
- Con vào lấy đôi vòng và đôi bông tai ra đây để mẹ con đem vào Nội dâng lại cho vua vì Ngài Ngự muốn từ hôn, mặc dù chỉ còn hai tháng nữa là đem con vô Nội.
Chị tôi nghe nói điếng cả người, tưởng như trời sập cũng không bằng, lâu lắm mới chạy đi lấy đồ vàng đưa cho tôi đem vào, chớ không vô phòng thân sinh tôi nữa. Thân sinh tôi nói là Ngài Ngự có ban rằng:
- Thầy hãy an ủi con gái của thầy và gả ngay cho người khác, đừng để cô ấy buồn tội nghiệp. Thầy nên hiểu vì ta thương cả gia đình thầy, nên mới phải từ hôn với người mà ta mến từ hai năm nay.
Thân sinh tôi nói thêm rằng:
- Ngài Ngự bảo phải đưa ngay vào Nội một thiếu nữ khác mà tôi phải chọn lấy. Bà xem ai đáng giới thiệu không?
Mẹ tôi đáp:
- Có cô Mai Thị Vàng con gái ông Phụ đạo Mai Khắc Đôn, tuy không đẹp lắm, song có đức hạnh. Ông vào tâu xem.
Một tuần lễ sau, lễ hỏi nhà vua lại đem đến nhà ông Phụ đạo họ Mai(3). Và ngày 30/1/1916, lễ “Nạp Phi” được tổ chức trọng thể tại bộ Lễ, đúng với kỳ hạn triều đình đã rao báo (4)”.
Vì sao có sự thay đổi đột ngột như thế? Lúc ấy, Ngài đang chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa nên không muốn làm liên lụy đến người con gái mà ngài đã đem lòng yêu thương…?
Chuyện tình của bà Hồ Thị Chi với vua Duy Tân không thành, về sau bà được tiến cho vua Khải Định.
Gác Thọ Lộc, tháng 6/2008
1 | Báo Cải Tạo ngày 22/01/1949. (Hoàng Trọng Thược, Hồ sơ vua Duy Tân, tr. 75). |
2 | Huỳnh Côn, hồi ký, do Jean Jacnal ghi lại bằng tiếng Pháp, đăng trong Revue Indochinoise năm 1924 (Hoàng Trọng Thược, tr.95). |
3 | Hoàng Trọng Thược, sđd, trang 102 - 106. |
4 | Nạp Phi: Nạp là thu vào, Phi là vợ vua, vợ chư hầu hay vợ Thái tử. Nạp Phi là vua hay các hoàng tử cưới vợ (Bửu Kế). |
Bài liên quan: