Sản xuất phim - Eo sèo phim nhà nước, nhộn nhịp phim tư nhân…

|
Phim Dòng máu anh hùng do hãng phim Chánh Phương sản xuất, đoạt giải Bông Sen Bạc Liên hoan phim VN 15 tại Nam Định, doanh thu 10 tỉ |
Nhiều hãng phim tư nhân ra đời tất nhiên sẽ góp mặt nhiều phim bên cạnh số phim đếm trên đầu ngón tay của các hãng phim nhà nước. Thành phố Hồ Chí Minh được coi là kinh đô điện ảnh của cả nước, nhưng thực ra việc sản xuất phim điện ảnh hầu hết chỉ dựa vào một số hãng phim tư nhân như Thiên Ngân, BHD, Phước Sang, Chánh Phương, Phương Nam… Bộ mặt phim ảnh cả nước thực sự có nhộn nhịp hơn với hàng loạt phim Việt Nam chiếu rạp có doanh thu tiền tỉ. Tất nhiên, khi đầu tư làm phim, lợi nhuận là yếu tố tiên quyết của các nhà làm phim tư nhân, vì thế, một dòng phim giải trí xuất hiện bên cạnh dòng phim chính thống của các hãng phim nhà nước. Và cái khác rõ rệt nhất giữa hãng phim tư nhân và hãng phim nhà nước, đó là cách tiếp thị và quảng cáo phim. Vì thế, phim của tư nhân, dù hay dù dở, họ vẫn thu lời, ít ra là lấy lại được số vốn đã bỏ ra. Chưa bao giờ Giải Cánh diều năm 2011 của Hội điện ảnh Việt Nam lại có mặt các hãng phim tư nhân nhiều đến vậy: 10/12 phim tham gia. Nghĩa là số lượng phim tư nhân chiếm gấp 5 lần phim nhà nước và đã đoạt 2 Giải bạc và 1 Giải khuyến khích. Trước nay, tâm lý các hãng phim tư nhân khi tham dự các giải chỉ là để góp mặt cho vui, vì hầu hết là phim hài giải trí. Đơn giản vì đồng tiền bỏ ra từ túi tư nhân thì phải thu lại lợi nhuận, nên thời điểm để chiếu phim vẫn là dịp Tết. Mà đã là phim chiếu tết thì đề tài thường chỉ chú trọng sự vui vẻ, nhẹ nhàng. Vì vậy, không khó hiểu khi những phim hài giải trí đua nhau trình chiếu trong dịp Tết của tư nhân vẫn luôn thắng lớn về doanh thu. Cũng từ đó, điện ảnh Việt Nam chia ra hai dòng phim rõ rệt: phim thị trường do tư nhân sản xuất và phim nghệ thuật chỉ dành cho các hãng phim nhà nước. Cũng từ đó, một khái niệm được hình thành từ đồng doanh thu: Phim thị trường là của công chúng còn phim nghệ thuật là của các Liên hoan phim. Rất nhiều phim của nhà nước đoạt giải trong và ngoài nước đã ra rạp trước sự thờ ơ của công chúng. Tại sao? Lẽ nào trình độ thưởng thức nghệ thuật của khán giả Việt Nam chỉ có thể chạm đến những bộ phim hài xem xong rồi bỏ? Câu hỏi ấy đã có lời giải rõ ràng, đó chính là sự vô trách nhiệm với đồng tiền ngân sách của các cơ quan hữu trách. Trong khi các hãng phim tư nhân dùng mọi chiêu thức quảng cáo để cuốn hút công chúng đến với phim của họ thì hầu hết các phim do nhà nước sản xuất vẫn đến với công chúng một cách thầm lặng, không ai hay biết. Một bộ phim truyền thống được đầu tư vài chục tỉ, nhưng khi ra rạp chỉ thu được vài triệu lâu nay vẫn là chuyện thường ngày của các hãng phim nhà nước. Khi bộ phim Áo lụa Hà Đông, Huyền thoại bất tử của Hãng Phước Sang và Dòng máu anh hùng, Long ruồi của Hãng Chánh Phương đạt doanh thu tiền tỉ, đồng thời cũng được vinh danh ở các Liên hoan phim và Giải Cánh diều của Hội Điện ảnh có nghĩa là các hãng phim tư nhân đã nhận thức được ngoài việc làm phim giải trí thu lợi nhuận, tâm lý chung của người sản xuất bao giờ cũng muốn vươn lên tầm cao hơn để chứng tỏ đẳng cấp của mình.
Nhập khẩu, phát hành phim - Thua trắng trên sân nhà
Có lẽ chưa có lúc nào Hollywood chiếm lĩnh thị trường phim ảnh Việt Nam như hiện nay. Năm 2011, chỉ có 17 phim Việt ra rạp trên 106 phim nước ngoài, công ty Megastar ước tính doanh thu phòng vé tại VN năm 2011 đạt hơn 35 triệu USD. Cục Điện ảnh đã thống kê doanh thu điện ảnh tại Việt Nam hiện nay tăng gấp 13 lần so với 10 năm trước, nhưng thực ra, doanh thu ấy chỉ từ phim nước ngoài và lãi lớn rơi trọn vào tập đoàn Megastar. Đã qua rồi cái thời người Việt Nam chỉ được xem phim cũ mốc xì vài ba năm trước, cái thời Fafilm Việt Nam chỉ ôm mua cả đống phim cũ rích, chằng chịt những vết trầy xước mà người ta vừa bán vừa cho về chiếu lại cho dân mình xem. Bây giờ, khán giả Việt đã có thể tự hào là được xem phim cùng lúc với các nước tiên tiến trên thế giới…
Vì thế, khi nhà nước đã bật đèn xanh, các công ty tư nhân ào ạt nhập phim bom tấn Mỹ về đồng thời với công trình xây dựng các cụm rạp hiện đại mọc lên với giá hàng triệu đô la lần lượt ra mắt ở các thành phố lớn. Phim bom tấn phải được chiếu ở những phòng chiếu hiện đại, âm thành vòm, máy chiếu 3D. Cơn lốc của phim bom tấn Mỹ đã hoàn toàn chiếm lĩnh khán giả trẻ ở các thành phố lớn. Bây giờ, giới trẻ “sành điệu” là phải biết các siêu phẩm bom tấn của Mỹ. Và thực sự nếu nhìn vào danh sách các phim, khán giả Việt sẽ không khỏi choáng váng. Có thể kể đến những cái tên như: Battleship (Chiến hạm, kinh phí 209 triệu đô la), Snow White and the Huntsman (Công chúa Bạch Tuyết và người thợ săn, 170 triệu đô la), Madagascar 3: Europe's Most Wanted (Thần tượng châu Âu, 145 triệu đô la), Dark Shadows (Lời nguyền bóng đêm, 150 triệu đô la)… Chính những chiêu quảng cáo với kinh phí làm phim ngất ngưởng ấy đã có sức hút lôi khán giả trẻ đến rạp. Và báo chí cũng giới thiệu vô tư những bộ phim được nhập về, mà không hề biết các công ty đã lôi về rất nhiều phim bị trao Giải Mâm xôi vàng(*) ở Mỹ. Trong số các tác phẩm Hollywood được đề cử Giải Mâm xôi vàng 2012 (trao giải ngày 1/4 hằng năm), có tới 9 phim được trình chiếu tại Việt Nam trong năm 2011(?!).
Tất nhiên, trong những phim bom tấn đưa về Việt Nam vẫn có những tác phẩm xuất sắc thật sự, điển hình như The help (Người giúp việc) hay The tree of life (Cây đời), và The artist (Nghệ sĩ) được trao giải Oscar. Nhưng vấn đề ở đây không phải là chuyện chọn lọc phim hay và phim dở của Hollywood mà là chuyện của đất nước mình. Một đất nước mà khán giả trẻ chỉ biết sùng bái phim bom tấn Mỹ và quay lại coi khinh phim truyền thống của đất nước mình!? Một bộ phim như Mùi cỏ cháy thấm đẫm dòng máu anh linh của những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc đã được phát hành lặng lẽ trong một rạp chiếu duy nhất suốt 7 ngày với vài chục người xem (?!). Báo chí không đưa tin, cũng không có một tác động nào từ các cơ quan chức năng để bộ phim được đến với công chúng rộng rãi. Bên cạnh ấy, sự thả lỏng việc nhập khẩu phim nước ngoài với vô số phim bạo lực của Mỹ tràn ngập trên các rạp chiếu đã trở thành “một định hướng duy nhất” về thẩm mỹ cho giới trẻ hiện nay. Đừng trách tại sao thanh niên Việt Nam quay lưng với phim lịch sử, truyền thống cách mạng mà phải trách chính chúng ta, những người có trách nhiệm đã tạo nên một môi trường điện ảnh tràn ngập mùi bạo lực và sex trên màn ảnh của chính đất nước mình.
Bảo trợ điện ảnh dân tộc bằng cách nào?

|
Phim Thiên mệnh anh hùng thực hiện với 27 tỉ đồng |
Từ những thực trạng trên, xin được góp vài dòng với cơ quan hữu trách. Luật điện ảnh (Điều 5) về chính sách phát triển điện ảnh, trong 8 mục triển khai, không có dòng nào cho vấn đề bảo trợ điện ảnh trong nước. Làm thế nào điện ảnh Việt Nam có thể đứng vững khi nhập khẩu phim được mở ra cho nhiều cơ sở sản xuất phim và các tổ chức, cá nhân liên doanh… (Điều 30). Trong khi nhập khẩu những phim hay nổi tiếng của nước ngoài giá chỉ từ 50.000 USD, cao lắm là 100.000 USD nhưng sản xuất một phim nhựa phải đầu tư cả chục tỉ, có phim như Thiên mệnh anh hùng đầu tư gần 30 tỉ. Như vậy, nếu thả nổi việc nhập phim thì chắc chắn phim Việt Nam sẽ chết chìm bởi không thể đương đầu nổi với phim nước ngoài. Vì thế cần có quy định ràng buộc các cơ sở điện ảnh, ít nhất phải sản xuất từ 2 phim VN thì mới được nhập một phim nước ngoài. Bên cạnh đó, phải có chính sách thuế ưu đãi đối với phim VN, từ sản xuất đến phát hành. Các rạp phải tuân thủ tỷ lệ ngày chiếu phim Việt Nam theo quy định cụ thể của Bộ VH-TT-DL, phỉa có văn bản chế tài cụ thể đối với những rạp vi phạm, bởi xưa nay tình trạng các rạp chiếu vẫn ngang nhiên vi phạm điều này dẫn đến tình trạng hầu hết những phim truyền thống đều bị đẩy ra trước thời hạn quy định ở các rạp chiếu. Nếu như Nghị định 98 đã quy định 30% phim truyền hình Việt phát sóng trên mạng lưới truyền hình, thì cũng cần có quy định cụ thể về số ngày chiếu phim Việt Nam trên mạng lưới chiếu bóng đó là chỗ dựa vững chắc khuyến khích các hãng phim tư nhân mạnh dạn sản xuất phim, khuyến khích các nguốn vốn trong và ngoài nước đầu tư cho điện ảnh. Cũng từ vấn đề này, Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh (Điều 6) muốn “bao gồm nguồn tài trợ của tổ chức cá nhân trong nước và nước ngoài…”, thì nhà nước phải mở và cho phép các doanh nghiệp trong nước độc quyền có Quỹ tài trợ cho văn hóa. Hơn tại sao ta không trích phần trăm tiền quảng cáo phát sóng trong các giờ chiếu phim ngoại trên các đài truyền hình đưa vào Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, chỉ cần quy định cụ thể bao nhiêu phần trăm rút từ các đài truyền hình cả nước thì chắc chắn Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh không phải là nhỏ.
Ở Hàn Quốc, người ta xem việc xây dựng bản sắc văn hóa là cơ sở để xây dựng pháp luật về văn hóa cũng như việc hỗ trợ cho lĩnh vực văn hóa. Bản sắc văn hóa được sử dụng như là một lá chắn bảo vệ các ngành công nghiệp văn hóa nội địa trong bối cảnh toàn cầu hóa về văn hóa. Vì vậy, chính phủ Hàn Quốc đã hạn chế bớt ảnh hưởng tiêu cực này bằng cách buộc các rạp chiếu phim phải chiếu phim nội địa ít nhất là 106 ngày trong 1 năm. Chính sách này đồng thời với việc đào tạo nhân lực bằng ngân sách nhà nước với 300 người được đưa đi đào tạo ở Mỹ. Vấn đề của chúng ta hiện nay chính là chiến lược về văn hóa của nhà nước. Nếu ta xem nhẹ văn hóa và thả lỏng cho thị trường tự do thì hệ quả tất yếu khó lòng có thể lường trước được!!...
____
(*) Giải cho phim dở nhất.