Năm 2005, ý tưởng chuyển thể cuốn nhật ký của Nguyễn Văn Thạc đã thôi thúc mãnh liệt nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. Anh đã từng tự hỏi vì sao mình được sống trở về: Đêm trong suốt áp ngực vào phương ấy/ Gặp lại mùi cỏ cháy suốt đời trai/ Ngôi sao rơi trên dãy kẽm gai dài/ Những vùng đất không tiếng gà cất gáy/ Bao hăng nồng cỏ cháy rát hoàng hôn…(2)
Câu hỏi ấy đã ám ảnh nhà thơ khôn nguôi khi hàng loạt nhật ký chiến tranh ra đời như Tài hoa ra trận của Hoàng Thượng Lân, Sống để yêu thương và dâng hiến của Hoàng Kim Giao, Nhật ký của Vũ Xuân, Nửa sau khoảng đời của Vũ Đình Văn, Được sống và kể lại của Trần Luân Tín…
Là một người lính từ thành cổ Quảng Trị trở về, Hoàng Nhuận Cầm đã nhoài ra viết, bây giờ Mùi cỏ cháy không phải chỉ có hình bóng của Thạc, mà là cả thế hệ 20, rời bỏ mái trường đại học băng mình vào lửa đạn, trong đó có anh, bạn bè anh, những cậu sinh viên trong trẻo, hồn nhiên. Câu chuyện cũng bắt đầu từ cái tứ có thật của nhà biên kịch Đoàn Tuấn qua truyện ngắn Bức tượng.
Chuyện của 4 chàng trai trước khi lên đường ra trận đã cùng hẹn vào công viên Thống Nhất, chụp ảnh cùng bức tượng Cô gái ngồi đọc sách. Cả bốn chàng lính mới quây xung quanh bức tượng, tranh nhau sờ vào bầu ngực của bức tượng trong tiếng cười đùa tinh nghịch. Chiến tranh chấm dứt, chỉ có một người trở về là tác giả.
Bốn chàng bộ đội trong phim Mùi cỏ cháy, mỗi người đều có cuộc đời, tính cách riêng, Hoàng (Năng Tùng đóng vai) là hiện thân của Hoàng Nhuận Cầm, nhà thơ của đơn vị; Thành (Lê Văn Thơm) có năng khiếu hát chèo; Thăng (Tô Tuấn Dũng) là hình ảnh của Nguyễn Văn Thạc, chàng bộ đội ngồi đâu cũng viết nhật ký; Long (Thanh Sơn) là hình ảnh tài hoa của Hoàng Thượng Lân với tiếng đàn mượt mà, trong trẻo. Họ bước vào cuộc chiến bằng lý tưởng nồng cháy của tuổi thanh niên...
Những dấu chân rồi lùi lại phía sau/ Dấu chân in trên đời chúng tôi những tháng năm trẻ nhất/ Mười tám, hai mươi sắc như cỏ, ấm như cỏ, yếu mềm và mãnh liệt như cỏ/ tôi đã đi không tiếc đời mình(3)… Họ phơi phới bước vào trận địa, bằng đôi mắt trong veo, thánh thiện của tuổi học trò, trong ba lô còn mang theo những chú ve kim, những chú dế mèn và những hòn bi thủy tinh đủ màu: Mùa khô ơi, mùa khô thân yêu/ Dẫu hòn bi lăn hết vòng tuổi nhỏ/ Nhưng trong những ba lô kia, ai bảo là không có?/ Một hai ba giọng hát chú ve kim?(4)
Như một cuộn phim ký ức của 40 năm xưa, những câu chuyện của từng người như được đan vào nhau bằng từng câu chuyện kể tếu táo túm tụm bên nhau. Thành nghịch ngợm hay bị mẹ đánh đòn, nhưng không lần nào mẹ đánh được, bây giờ cậu ngồi nhớ mẹ và mong ngày hòa bình trở về sẽ nằm xuống cho mẹ tha hồ đánh. Long ra đi mà trong lòng không yên vì cuộc chia tay của cha mẹ. Cậu về nhà giật phắt chiếc ri đô ngăn chia ranh giới giữa hai người gói theo ba lô làm gối ngủ mỗi đêm với giấc mơ bố mẹ sẽ làm lành với nhau.
Bằng tiếng đàn tài hoa, Long, khi tá túc nhà dân đã yêu và tỏ tình với một cô gái, họ chỉ mới run rẩy nắm tay nhau mà chưa dám trao nhau nụ hôn đầu đời. Ngày bộ đội chuyển quân, cô gái trao cho cậu chiếc khăn tay thêu gói trong chiếc kẹp tóc, cậu ấp nó trong ngực trái như lá bùa hộ mệnh. Và đoàn xe nối nhau đi chở theo những đôi mắt trong veo tiến về mặt trận, họ lên đường không kịp từ giã người thân, hàng nghìn cánh thư đã bay ra như bướm trên đường, trên những khoảnh ruộng chỉ còn phụ nữ. Thư thời chiến đã được gửi đi bằng cách đó, nhưng tất cả người thân đều nhận được, bởi ai cũng có chồng, con nơi chiến trường…
Những cảnh đọc thơ, hát chèo, những màn tắm truồng, những màn chọc phá nhau ở quân trường hồn nhiên, vui nhộn của tuổi mới lớn ấy thực sự đã như một vết cứa vào tim khán giả khi những chàng lính mới toanh vào trận. Chiến trận quá khốc liệt, những ngày gian khổ tập luyện ở quân trường bỗng trở nên nhẹ tênh bên dòng sông Thạch Hãn. 107 bộ đội qua sông, đến nơi điểm quân chỉ còn 49, máu loang đỏ cả dòng sông, những chàng trai phơi phới mới nhìn thấy nụ cười hôm qua, ngày hôm sau đã biến mất. Đại đội trưởng điểm quân bằng đôi mắt đỏ ngầu.
Vào được Thành cổ là bắt đầu một cuộc đối đầu mới, bom, pháo, xe tăng địch quần nát, và họ tiếp tục ngã xuống, ngã xuống… Nhưng giữa giờ nghỉ giao tranh, những anh lính trẻ vẫn chui ra từ hầm trú ẩn và đùa nghịch, Thành hát vở Thị Mầu giữa những ngọn khói đen hăng mùi cỏ cháy. Họ vẫn cười vui, những nụ cười trong veo của tuổi 20 và tiếp tục cầm súng chiến đấu tới giây phút cuối cùng.
Long ngã xuống, chiếc khăn tay thắm đỏ và cây đàn cháy rụi, đồng đội vừa chôn cậu xong thì một quả pháo đã hất tung nấm mộ còn ướt đầm đất mới. Rồi lần lượt đến Thành, đến Thăng, cậu lính thông tin trúng đạn khi cố nối lại đường dây điện đàm… Bạn bè tôi trong chiến dịch 72/ Thịt xương nhiều hơn đất đai Thành cổ/ Bao người lính ra đi không về nữa/ Để đất đai mãi mãi xanh màu(5).
Bức tượng nơi công viên đã ba lần nhỏ lệ, những giọt lệ máu khóc lặng lẽ hòa vào những dòng máu trung kiên của dân tộc. Khi chiếc xe tăng phá tung cánh cửa dinh Độc Lập, ngọn cờ giải phóng tung bay… một mình Hoàng đã đứng lại với dòng nước mắt lưng tròng…, anh vẫn còn được sống để kể lại câu chuyện của thế hệ anh, và tất cả đã được thể hiện trên phim bằng chính sự thật của cuộc đời anh, nó mãi mãi sẽ là ánh lửa không bao giờ tắt trong trái tim của nhiều thế hệ sau... Bức tượng trong công viên ngày Hoàng trở về chỉ còn một mình anh đứng đó, thảng thốt trong không gian lặng thinh…
40 năm sau, Thành cổ Quảng Trị được xây dựng như một khu di tích với nhiều hoa kiểng, đón nhiều đoàn người đến viếng. Hoàng đứng lặng bên mảng tường Thành cổ với những hồi ức khốc liệt, anh mân mê từng viên gạch xỉn màu trên bức tường rêu phong. Mảnh đất nơi đây, từng xăngtimét đều có hòa trộn thịt xương bạn bè anh… những chàng trai phơi phới yêu đời, chưa một lần được hôn một người con gái.
Họ đã chết như những vị thánh, nhưng những người kế tục, những thế hệ thừa hưởng sự hy sinh khốc liệt đó đã sống xứng đáng chưa? Có lẽ phần lớn người xem đã không cầm được nước mắt bởi dấu hỏi nôn nao và ray rứt ấy…

Bốn chàng bộ đội và tác giả kịch bản Hoàng Nhuận Cầm.
Hoàng Nhuận Cầm đã viết kịch bản này trong 4 tháng, mỗi trang viết đều thấm đẫm nước mắt của anh. Kịch bản hoàn thành từ tháng 11/2005, năm 2007 mới được duyệt và đã qua rất nhiều bàn tay đạo diễn, cuối cùng mới đến đạo diễn Nguyễn Hữu Mười. Ai cũng ngại vì phim chiến tranh nhưng chỉ được tài trợ 5,2 tỉ đồng, không ai nghĩ sẽ làm nổi (phim Đừng đốt được tài trợ 12 tỉ đồng). Với số tiền quá ít ỏi ấy, những cảnh lớn trong phim đành phải tiết chế. Để dựng lại cảnh chiến trận Thành cổ đoàn phim phải chuẩn bị đến 4 tháng. Nhưng bù lại đoàn phim đã được sự ủng hộ rất lớn của quân đội. Hai chiếc M113 hoành tráng, chiến lợi phẩm thời chống Mỹ, cứu nước ngày nào đã được Binh chủng Tăng thiết giáp cho đoàn “mượn” để tham gia vào cảnh quay cuối cùng. Bên cạnh đó, đoàn làm phim cũng nhận được sự hỗ trợ hết sức quý báu cả về người và của từ phía Tiểu đoàn 93, Binh chủng Công binh với tổng số gần 600 quả nổ, bom lửa, xe cộ, xăng dầu… Sự ủng hộ, phối hợp nhiệt tình cả tinh thần và vật chất, bất kể ngày đêm, mưa nắng theo lịch trình đoàn làm phim của chiến sĩ các binh chủng Công binh, Pháo binh, Không quân, Tăng… Để hoàn thiện và ra mắt công chúng hôm nay, không thể kể xiết những khó khăn, trở ngại. Nhưng cả đoàn phim đều cố gắng vượt qua. Tất cả đều tâm niệm một điều: “Kinh phí tuy ít ỏi, nhưng tấm lòng với những người đã khuất thì chúng tôi có rất nhiều”. Họ đã khẳng định quyết tâm sắt đá để bộ phim xứng đáng với dòng chữ cuối cùng trên phim “Bộ phim này để tri ân và tưởng niệm những người lính đã ngã xuống trên các chiến trường và mặt trận Quảng Trị năm 1972”. |
(1) | Thơ Lê Bá Dương. |
(2),(4),(5) | Thơ Hoàng Nhuận Cầm |
(3) | Thơ Thanh Thảo. |