Đọc bài Các dự án cần có trình tự xét duyệt chặt chẽ của tác giả Dương Văn Minh Lộc đăng trên tạp chí Hồn Việt số 58 (tháng 5/2012), tôi đọc đi đọc lại nhiều lần. Đoạn tôi tâm đắc nhất là “Phải chăng đã tới lúc nên có luật về ‘Xét duyệt dự án’…”.
Tôi xin góp thêm ý kiến:
- Lấy ý kiến của dân sống trong vùng tức là “trưng cầu ý dân”, một thủ tục không thể thiếu, thì số người đồng ý phải trên 50/100 theo thông lệ.
- Phải tôn trọng bảo tồn các di tích văn hóa, lịch sử, tâm linh của người dân, các đền, đình, miếu, phủ của địa phương.
- Phải giữ gìn tôn tạo các di tích cách mạng trong vùng như: Một bụi tre mà bà mẹ Việt Nam đã ngày che, đêm đào hầm bí mật dưới đó để nuôi giấu cán bộ cách mạng bám dân, mặc dù bị giặc bắt đánh đập tra tấn tàn bạo nhưng mẹ thà chịu chết chứ không hé răng chỉ chỗ hầm cứu sống các con cán bộ cách mạng của mình.
- Phải giữ gìn các “cây đa, cây gạo cổ thụ” nơi chứng kiến nhiều kỷ niệm ấu thơ của bao người nay trưởng thành đi làm ăn xa, khi trở về quê cách 4-5km đã rạo rực nhận ra “cây đa, cây gạo làng ta!” hiện còn sót lại rất hiếm hoi.
- Phải tôn trọng những dấu ấn phong thủy quý của địa phương.
+ Nghiêm chỉnh chấp hành ý kiến của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trả lời báo Tiền Phong đầu năm 2012:
- Việc giám sát thực hiện quy hoạch là nhiệm vụ trọng tâm của các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương và của cả nhân dân.
- Cần chấn chỉnh những nơi điều chỉnh quy hoạch tùy tiện.
Xuất phát từ các ý kiến trên, tôi đề nghị lãnh đạo thành phố Hà Nội xem lại việc xóa sổ bán đảo Linh Đàm ở cửa ngõ phía nam thủ đô.
Hồ Linh Đàm vốn là hồ thiên tạo từ hàng chục vạn năm trước, là một trong số các hồ, sông nước hồn cốt của đất Đông Đô, Thăng Long – Hà Nội hiếm hoi còn sót lại đến ngày nay. Hồ Linh Đàm để nguyên dáng vòng cung ba bề vỗ mát bán đảo Linh Đàm thì rộng hơn hồ Bảy Mẫu nhiều.
Và khu đô thị mới bán đảo Linh Đàm đã được công nhận là khu đô thị mới kiểu mẫu. Các đoàn đại biểu Quốc hội các khóa trước thăm khu hồ Linh Đàm và bán đảo Linh Đàm đã hết lời khen đây là một hồ và khu đô thị mới đặc sắc, tiêu biểu của thành phố Hà Nội, hiếm nơi trong nước có được.
Khi nhà nước, thành phố Hà Nội giao cho Sở Xây dựng Hà Nội đầu tư xây cầu trên cao thuộc đường vành đai 3 và nạo vét kè hồ Linh Đàm, bản quy hoạch I được người dân địa phương ai cũng khen “đẹp như tranh”.

Lúc làm cầu trên cao vượt qua hồ Linh Đàm, nhà thầu được phép tạm lấp một đoạn hồ để làm chỗ cho các phương tiện thi công cọc nhồi. Khi hoàn thành xong đoạn cầu vượt này thì phải nạo vét trả lại mặt hồ thông thoáng hoàn chỉnh, hình dáng vòng cung bao ba mặt bán đảo Linh Đàm như trước.
Không hiểu sao năm 2011 chủ đầu tư thay đổi quy hoạch một cách tùy tiện. Họ không những không nạo vét lại lòng hồ như cũ mà lại chở thêm hàng chục vạn khối đất nạo vét gần đó đến lấp chặn hồ.Từ đây xóa luôn bán đảo Linh Đàm, trở thành một đoạn đất liền nối từ tây sang đông, ngăn hồ Linh Đàm rộng lớn thành hai hồ nhỏ chỉ còn có tác dụng điều tiết nước mà thôi, các truyền thống văn hóa và tâm linh quanh hồ nay trở thành vô nghĩa.Tác phẩm thành quả của cuộc điều chỉnh tùy tiện này tạo nên một vùng đất và nước chẳng ra hình thù gì, thật là xấu xí!
Nếu cán bộ UBND phường Hoàng Liệt đóng trên bán đảo muốn đi sang đường Giải Phóng thì nên xây cầu xi măng hoặc lắp cầu sắt vì cấu kiện xi măng và sắt lắp cầu hiện rất sẵn, chỉ thi công 2-3 tháng là xong.
Trước Tết Nhâm Thìn, mấy anh em chúng tôi đến thăm nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Vinh Phúc, và thông báo cho cụ biết là hồ Linh Đàm ở nam Hà Nội đã bị tùy tiện điều chỉnh quy hoạch. Cụ bàng hoàng không thể tin vào tai mình nữa, và than rằng nhà nước ta mà còn sử dụng những người như vậy thì chẳng bao lâu nữa phía nam Hà Nội sẽ trở thành “vùng sa mạc” về truyền thống văn hóa lâu đời và các huyền tích tâm linh của nhân dân địa phương sẽ bốc hơi hết.
Cụ kể ở phía nam hồ Linh Đàm có Miếu Gàn thờ vị Thần Rồng trấn giữ hồ cải trang làm học trò và thầy của mình là cụ Chu Văn An. Sự tích rất nhân văn xảy ra cách nay trên 600 năm, thời nhà Trần. Cụ hẹn sau Tết, trời ấm cụ sẽ về thăm lại vùng hồ Linh Đàm, tìm hiểu tình hình để tranh thủ xin gặp các vị lãnh đạo thành phố có trách nhiệm cứu ngay hồ Linh Đàm khi còn chưa muộn.
Buồn và tiếc thay, chỉ mấy ngày sau Tết cụ Phúc đã sớm về cõi vĩnh hằng, không kịp thực hiện lời hứa tìm cách cứu hồ Linh Đàm khi còn chưa muộn. Tôi chỉ còn biết viết mấy dòng này để kêu cứu!!
Hà Nội, 8/6/2012
PHẠM Y (1004 NE8 bán đảo Linh Đàm, P. Hoàng Liệt, Q. Hoàng Mai, Hà Nội)