XIN LÀ HOA CỦA ĐẤT

Đó là lời tâm sự rất chân thành của cư sĩ lương y Nguyễn Thành Tiến. Chúng tôi đến tìm ông tại Yên Sơn Tự, thuộc làng Bàu Tre, xã Tam Sơn, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam giữa lúc ông chuẩn bị bốc thuốc để đến thăm một số bệnh nhân trong làng. Dẫu tuổi tác đã cao, nhưng lúc nào ông cũng muốn dành tấm lòng mình để cùng chia sẻ với tất cả mọi người.

Sau 1975, khi đất nước mới thống nhất ông vào học trường Sư phạm để theo nghề gõ đầu trẻ; ra trường ông được điều về trường tiểu học xã Tam Sơn, nay là trường Trung học cơ sở Tam Sơn, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. 32 năm sống với nghề dạy học, ông đã dạy cho không biết bao nhiêu lứa học trò của mái trường nơi vùng bán sơn địa này lớn lên thành người có ích. Nhiều học trò của ông giờ mái tóc cũng đã muối tiêu, nhưng vẫn luôn trọng thầy, bởi biết bao khó khăn của nghiệp dạy học ông đã kiên trì vượt qua tất cả, để mang đến cái chữ cho con em trong làng, trong xã.

Ông Nguyễn Thành Tiến

Bây giờ, ở tuổi ngoài bảy mươi, không còn đứng lớp đã hơn mười năm nay, ông lại trở về với nghề gia truyền là làm thuốc, chữa bệnh cho bà con. Đời sống của nhân dân xã Tam Sơn vẫn còn nghèo, mặc dù đã được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước rất nhiều, nhưng những khó khăn vẫn còn chồng chất lên cuộc sống  của người dân nơi đây, đặc biệt là vấn đề chăm sóc sức khỏe hầu như còn bỏ ngỏ. Ông Tiến tâm sự: “Người dân nghèo khổ không có điều kiện để chăm sóc sức khỏe thường xuyên. Nhiều người bệnh tật lâu ngày chỉ biết chịu đựng mà không dám đi bệnh viện vì không có tiền. Tôi cũng chỉ là một “thầy lang vườn” biết bốc thuốc, cố công để làm giảm những nỗi đau về thể xác cho mọi người mà thôi!”.

Ngày ngày, ông vẫn thường sang đò, đến quét dọn và hương khói tại chùa Yên Sơn trên một hòn đảo nhỏ giữa lòng hồ Phú Ninh bát ngát mây trời. Chùa không có sư trụ trì, không có tăng ni nên ông mượn nơi đó làm một nơi khám chữa bệnh, châm cứu, phát thuốc miễn phí cho bà con trong các thôn làng quanh đó. Ông tâm sự: “Cả một đời mình đi gieo cái chữ, giúp những đứa trẻ nghèo của vùng quê này học hành để bớt khổ, về già mình làm thuốc cứu người, lấy đó làm niềm vui!”.

Được biết ông có một ngôi nhà trên đường Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam nhưng ông không ở, ông lui về đây ngày ngày làm bạn với sóng nước, với cỏ cây, với hương khói chốn thiền môn và là bạn với những người dân nghèo sâu đậm nghĩa tình. Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy như ông, vậy mà vẫn ngày ngày leo đồi vượt dốc, tay cuốc tay trồng những cây thuốc cần cho mọi người trên triền đồi dốc phía sau chùa Yên Sơn kể cũng không được mấy người. Ông bảo, đến với nơi này, tâm hồn mình thanh thản hơn, thiền tịnh hơn, mọi tục lụy phiền não đã gửi lại nơi chốn đô hội ngoài kia rồi. Bây giờ ông sống một cuộc sống thanh bạch, huyền tịnh với Phật pháp, với khói sóng, khói núi và hương thơm của thuốc, của lòng người chốn quê kiểng.

Tấm bảng trước phòng khám từ thiện của ông Thành

Ngày ngày ông lại đến những ngôi nhà nằm thấp thoáng trong rừng cây của xã Tam Sơn để thăm bệnh. Mọi người quý ông, thương ông cứ thui thủi một mình trong chùa nên có gì cũng mang cho, khi thì cân gạo, khi thì mớ rau. Cảm kích với tấm lòng của mọi người, ông lại càng muốn giúp mọi người hơn.

Chiều chiều, lũ học trò con nhà nghèo sau buổi làm đồng, chăn trâu cắt cỏ lại đến dưới gốc bồ đề trước cổng chùa để được ông dạy học chữ, dạy cả cách làm người, dạy tất cả những gì ông biết. Ông chia sẻ: “Chốn này chẳng hợp với những người còn vương vấn với đời thường, còn với tôi, đã hiến cả đời mình cho mảnh đất này, cho những người dân mộc mạc chân chất nơi đây. Có lẽ khi nào không còn đủ sức nữa, tôi chỉ mong mình là một phần của đất này mà thôi!”.

Chùa Yên Sơn

Nhìn ông cặm cụi, tỉ mẩn gói những thang thuốc cho người bệnh trong chuyến đi thăm làng của mình, mới thấy tấm lòng của một vị lương y cư sĩ dẫu bình dị mà cao cả vô cùng. Trong cái dáng người nhỏ nhắn với gương mặt kiên nghị ấy, có một sự thanh tịnh và bình yên đến lạ kỳ…

BÙI HỮU CƯỜNG