Xin mạo muội mấy lời về một bản dịch của Tản Đà

Đó là bản dịch rất hay cho một bài thơ Đường: Hoàng Hạc lâu. Nguyên tác là một tuyệt bút mà dịch phẩm cũng thật tuyệt vời.

Tôi xưa nay vô cùng khâm phục nhiều bản dịch thơ của Tản Đà. Ông là một vị túc Nho, lại là nhà thơ nên các dịch phẩm của ông không chỉ chuyển tải tốt nội dung mà còn lột tả, thậm chí nâng cao được cả cái hồn của tác phẩm. Nhiều hội nghị khoa học về dịch thuật đã dẫn ông làm một mẫu mực về nghệ thuật dịch thơ.

Tôi rất thích bản dịch Hoàng Hạc lâu của ông. Bài thơ này dường như ai cũng biết là tác phẩm rất nổi tiếng của Thôi Hiệu, có rất nhiều ý kiến bày tỏ sự ngưỡng mộ thật chân thành. Lý Bạch - một trong rất ít nhà thơ thiên tài đời Đường đã phải bái phục thốt thành lời, và nhiều nhà thơ lớn đời Đường như: Vương Duy, Hạ Tri Chương, Giả Đảo từng lấy Hoàng Hạc lâu làm chủ đề sáng tác.

Đời Tống, Tô Đông Pha làm đến mấy bài thơ tán dương; còn Nghiêm Vũ thì viết trong Thương Lang thi thoại: “Về thơ thất luật đời Đường, Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu là đệ nhất”. Đàm Nguyên Xuân đời Minh bình phẩm: “Thơ Thôi Hiệu nội hàm phong phú, nghệ thuật tuyệt vời, đời sau đừng ai làm thơ về lầu Hoàng Hạc nữa mà chuốc lấy hổ thẹn”.

Đời Thanh thì Vương Phu Chi trong Đường thi bình tuyển viết: “Hoàng Hạc lâu ý cảnh hoằng đại, rất đáng khâm phục”. Phan Đắc Dư đánh giá: “Hoàng Hạc lâu có thần, có khí, có tình, rất hoàn mỹ, đời sau không ai bì kịp”. Thẩm Đức Tiềm thì ca ngợi: “Bài thơ tuyệt diệu nhất xưa nay, ý thơ đẹp không cần tô vẽ”... Thôi Hiệu làm thơ không nhiều, song chỉ một bài thơ này mà nổi danh thiên cổ.

Nguyên văn bài thơ như sau:

Hoàng Hạc lâu

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
Hoàng Hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Tản Đà dịch như sau:

Lầu Hoàng Hạc

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay.
Hán Dương sông tạnh cây bày.
Bãi xa Anh Vũ xanh dầy cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.

Bài thơ này Thôi Hiệu làm khi đi du lãm nơi lầu Hoàng Hạc ở Vũ Xương. Cảnh sắc cùng với truyền thuyết đẹp đẽ về chuyện Phí Văn Vĩ tu tiên đắc đạo, cưỡi hạc vàng từ nơi này bay đi khiến nhà thơ tràn đầy xúc cảm và ý thơ dào dạt: Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ? / Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.

(Người xưa đã cưỡi hạc vàng mà bay đi rồi / Nơi này luống chỉ còn lại lầu Hoàng Hạc mà thôi).

Các nhà phê bình Trung Quốc rất thích chữ “空 - không” (luống những) trong câu thơ thứ hai, xem đây là thi nhãn (con mắt của bài thơ), thể hiện cái hồn của cả bài thơ: tâm trạng bâng khuâng, mênh mang, man mác, buồn lâng lâng mà lại da diết nhẹ nhàng.

Tản Đà chắc cũng rất thích chữ “không” đó và đã lột tả rất hay bằng chữ “trơ”: Hạc vàng ai cưỡi đi đâu? / Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.

Và nếu nguyên tác toàn bài đều toát lên cái tinh thần đó thì trong bản dịch của Tản Đà cũng toát lên cái hồn thơ như vậy. Tản Đà đã nắm bắt được những cảm xúc của Thôi Hiệu và diễn đạt lại bằng cách nói riêng của mình, rất “đạt” mà rất “nhã”.

Song ở đây, từ chỗ tìm hiểu và cảm thụ kỹ qua nguyên bản, tôi thấy có đôi ý kiến về bản dịch của Tản Đà:

Bài thơ có 8 câu, 4 câu đầu nhà thơ miêu tả lúc mới tới, sự xúc cảm trước cảnh vật gắn liền với truyền thuyết đẹp đẽ, cái thật và cái hư hoà quyện toát ra cái bâng khuâng lâng lâng ngay trong từng câu: Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ.

Âm thanh lúc đầu hơi trĩu nặng rồi cuối cùng vút lên cao khiến người đọc cảm thấy một sự trân trọng, nuối tiếc và hình dung cánh hạc vàng đang bay lên, bay xa. (Người xưa đã cưỡi hạc vàng mà bay đi rồi).Trong khi bản dịch của Tản Đà chỉ một câu đầu chưa lột tả được cảm giác đó: Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?

Mặc dù hai từ phiếm chỉ “ai” và “đâu” cũng có đôi chút hàm ý song cũng có thể hiểu trọng tâm nuối tiếc là con hạc vàng. Câu thứ hai của nguyên bản: Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu. (Nơi này luống chỉ còn lại lầu Hoàng Hạc mà thôi).

Thi nhãn “không” càng làm nổi rõ cảm giác chủ đạo của bài thơ hơn: bâng khuâng, lâng lâng, buồn buồn nuối tiếc.

Câu dịch của Tản Đà: Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ. Chữ “trơ” tuyệt vời lột tả được tinh thần đó song phải ghép liền cả hai câu với nhau mới đạt được.

Cũng thế, câu 3 của nguyên bản: Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản. Câu thơ hầu như toàn thanh trắc (trừ chữ hoàng) thể hiện một tình cảm như ngậm ngùi nuối tiếc: Hạc vàng bay đi là thôi không trở lại nữa. Nhưng câu dịch của Tản Đà thì dường như không thể hiện mấy tình cảm này: Hạc vàng đi mất từ xưa.


Lầu Hoàng Hạc. Nguồn: Internet.

Câu 5 của nguyên bản miêu tả cảm giác lâng lâng rất ấn tượng qua 3 chữ “không du du” (bay lững lờ trên bầu không). Bản dịch thì phải ghép liền cả hai câu mới thấy được ý đó: Hạc vàng đi mất từ xưa / Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay. Chỗ này hai chữ “du du” hình dung tâm trạng cũng không thể hiện được.

Bốn câu sau là sự xúc động trước cảnh sắc dẫn tới tình cảm nhớ da diết quê hương.

Câu 5 và câu 6 của nguyên tác cũng như bản dịch đều khiến người đọc êm tai và mát mắt vì âm thanh như nhạc và cảnh sắc như họa, dịu dàng trước mắt: Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ / Phương thảo thê thê Anh Vũ châu / Hán Dương sông tạnh cây bày / Bãi xa Anh Vũ xanh dầy cỏ non. Chỗ này có thể nói một chút: câu thơ nguyên văn không chỉ thể hiện rõ “thi trung hữu họa” mà còn là “hữu họa, hữu nhạc, hữu hương”: Phương thảo thê thê Anh Vũ châu (Cỏ thơm mọc xum xuê trên bãi cồn Anh Vũ).

Bản dịch đã rất tuyệt song nếu thay “cỏ non” bằng “cỏ thơm” thì thấy được cả “hương” của nguyên tác.

Hai câu cuối cùng, cũng như phần trên, chỉ riêng câu 7 đã nói được nhiều tình quê man mác mà lại sâu lắng: Nhật mộ hương quan hà xứ thị? (Lúc này trời chiều, quê hương ta đang ở nơi đâu?).

Cụm từ nghi vấn “hà xứ thị?” (đang ở nơi đâu?) âm thanh như trĩu nặng sự nhớ nhung da diết. Câu thơ dịch thì cảm giác đó ít hơn: Quê hương khuất bóng hoàng hôn. Và phải ghép liền với câu cuối mới lột tả hết cảm xúc: Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.

Tóm lại, tôi đã chân thật nói lên vài cảm nghĩ của mình về sự so sánh bản dịch của Tản Đà với nguyên tác thơ Thôi Hiệu, không phải để phản bác dịch phẩm mà chủ yếu là muốn cung cấp một vài yếu tố cảm thụ từ nguyên văn bài thơ, biết đâu có vị độc giả quan tâm sẽ so sánh để thấy cái tài sáng tạo của dịch giả Tản Đà, đồng thời thấy thêm đôi chút hứng thú để có thể có một bản dịch khác đặc sắc hơn chăng?

PHẠM THỊ HẢO