1. Xa xưa, việc qua lại biên giới giữa ta và nước bạn Lào ở vùng này chỉ có con đường mòn xuyên cánh rừng rậm từ huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) sang tỉnh Savannakhet (nước Lào). Từ khi mở quốc lộ số 8 vào những năm đầu thế kỷ 20 thì con đường ấy bị bỏ quên, chìm mờ dần trong rừng vắng. Nay con đường ấy chỉ có kẻ gian và dân buôn hàng quốc cấm chui luồn. Đứng ở đỉnh núi biên phòng, chúng tôi chỉ nhìn thấy dải non xanh mờ mây khói. Khi tìm ra dấu vết con đường, chúng tôi chú ý đến cái hang đá. Trước cửa hang có một tảng đá bằng, mưa rừng gió núi bào chải nhẵn lì. Tảng đá to gần bằng sân bóng chuyền. Hang đá ấy là “mái nhà chung” của đàn khỉ lông vàng hơn 40 con. Còn tảng đá ấy là sân chơi “cộng đồng” của chúng. Buổi sáng trước lúc tản đi tìm thức ăn, buổi chiều trước khi về hang đá, đàn khỉ nô đùa, nhảy nhót trên cái sân chung ấy. Chúng ngồi bắt rận, chải lông cho nhau. Chúng dỗ dành con và “tình tự” với nhau. Lần đầu nhìn thấy chúng tôi, đàn khỉ khiếp sợ, hoảng loạn, bế, cõng con nhảy lên cành cao hú hét vang rừng. Con khỉ đầu đàn tướng mạo dữ dằn, hung hãn. Nó có hai vành da đỏ khuyên tròn hai con mắt lồi màu hạt dẻ, có ria dài hai bên má và có râu mép. Nó nhảy chồm lên, nhe răng, nhăn mặt, nhép môi dọa chúng tôi. Hai chân trước nó liên hồi đập vào ngực căm tức kẻ xâm phạm lãnh địa nó. Mấy lần nó chực xông vào cào cấu “ăn thua” với chúng tôi...
Đội tuần tra nghỉ lại trên tảng đá ấy. Chúng tôi muốn được làm “xóm giềng thân thiện” với đàn khỉ. Bữa ăn trên tảng đá, chúng tôi để lại biếu “chủ nhà” những mẩu lương khô, bánh bích quy, cơm nắm và những chùm dâu da, quả ổi chín hái được trên đường đi. Chúng tôi còn để lại cả gói muối ở cửa hang. Mãi đến chiều, lúc mây về núi, con khỉ đầu đàn mới mon men về nghiêng ngó, thăm dò. Nhớ lời các cụ già nuôi khỉ nhiều năm dặn: “Muốn làm thân với khỉ thì cho nó ăn muối và kiêng nhất lần đầu gặp nó đừng chĩa mũi súng, mũi dao dọa dẫm gây ác cảm với nó. Nó khôn như con người đấy...”.
Chúng tôi nấp sau bụi cây chiếu ống nhòm nhìn rõ con khỉ đầu đàn cầm bánh lương khô, lát cơm nắm lên ngửi, nếm thử. Nó nhấm nháp từng hạt muối... rồi hú gọi cả đàn về.
Mỗi tuần có ba chuyến tuần tra, đội chúng tôi đều đến đó. Rồi hàng tháng, hàng năm cứ đều đặn như thế, chuyến tuần nào chúng tôi cũng mang thêm lương khô, muối và hoa quả làm quà cho “xóm giềng”. Dần dần tình “thân thiện” được đậm đà hơn. Nhìn thấy chúng tôi ăn lương khô, cơm nắm, đàn khỉ bồng con rủ nhau ngồi trên cành cây, chờ. Được ném thức ăn cho thì con đầu đàn, chúng tôi gọi vui là “ông trưởng xóm” nhảy xuống nhặt đưa trước cho những con khỉ con mà mẹ chúng đang cõng trên lưng hoặc bế trước ngực. Mỗi lần nhìn thấy chúng tôi đến, đàn khỉ nhảy lên cành cây ngồi như xếp hàng. “Ông trưởng xóm” rung rung ria mép, nhép môi cất tiếng hú trước rồi cả đàn hú theo. Nó cầm nhịp cho cả đàn hú, tiếng hú của đàn khỉ bổng trầm, du dương có cung bậc như bản hòa tấu vang vọng khu rừng thâm u. Chúng tôi cười vui: “Xóm giềng thân thiện” chào mừng chúng mình đấy. Khi chúng tôi rời tảng đá, đàn khỉ chuyền cành theo một đoạn dài như để tạm biệt, dõi nhìn hướng chúng tôi đi.
2. Các nhà khoa học đã giúp lính biên phòng chúng tôi biết loài khỉ có nhiều điều kỳ lạ. Trong thế giới hoang dã, khỉ là động vật rất đặc biệt và thú vị. Nó có cấu tạo cơ thể và có nhiều đặc tính giống con người. Khỉ được xếp vào nhóm 2-B động vật hoang dã cần được bảo vệ. Loài khỉ thông minh, bắt chước người rất nhanh. Chúng bộc lộ cảm xúc vui buồn, yêu thương, hờn giận trên gương mặt giống con người. Chúng có gương mặt tươi tắn, hớn hở để thu hút bạn tình. Gương mặt giãn ra với ánh mắt rộng mở, nhép môi khi nhận biết bạn cùng đàn. Gương mặt nhăn nhó để chia sẻ nỗi nhọc nhằn khi tìm kiếm thức ăn.
Loài khỉ có đặc trưng chung, đều sở hữu cái mông “màu hồng rực rỡ”. Cái mông trở thành niềm tự hào của chúng. Gặp bạn, gặp đồng loại, các bầy lạ, động tác đầu tiên là chúng phô “cái mông hồng” để bạn chiêm ngưỡng... Đó như là “thông điệp ngoại giao” trao đổi tình cảm ban đầu để làm quen và xét cho nhập đàn hay không. Loài khỉ còn có nét rất đặc biệt là bàn tay chúng giống bàn tay người. Chúng có móng tay, đầu ngón tay có đường vân khác biệt nhau. Ngón tay khỉ cũng mềm dẻo hữu ích như ngón tay người. Chúng biết dùng ngón tay bắt chấy rận, làm vệ sinh thân thể, chải lông, làm đẹp cho nhau; bóc vỏ quả chín đút cho con ăn. Khỉ biết hái lá cây làm thuốc, buộc vào các vết thương; biết tìm các loại lông, dây nhỏ như “chỉ nha khoa” dùng tay cọ, kéo làm sạch hàm răng. Khỉ có tuổi thọ đến hơn 40 năm. Việt Nam ta có hai loài khỉ sống ở đất liền và ở đảo. Chúng sống thành bầy đàn. Mỗi đàn có từ 10 con, 40 con, có đàn đến cả trăm con. Những khu rừng nguyên sinh ẩm ướt nhiều hoa quả, côn trùng có độ cao trên dưới 2.000m là nơi lý tưởng để khỉ sinh sống. Con khỉ đực nặng đến 8,3kg; khỉ cái nặng 4,8kg. Khỉ cái mang thai 156 ngày. Loài khỉ giao phối và sinh sản cả bốn mùa.
Các nhà khoa học, khảo cổ quốc tế ở Viện Nghiên cứu nhiệt đới Smithsonian của Mỹ, nhánh ở Panama đã tìm thấy hóa thạch của loài khỉ cổ nhất có niên đại hơn 20 triệu năm trước. Và họ cũng đã phát hiện thêm nhiều điều rất mới lạ về loài khỉ. Khi nói chuyện với nhau, khỉ cũng nhép môi tạo ra cung bậc âm thanh có nhịp điệu tương tự như lời nói của con người. Trong giao tiếp, khỉ biết nhường nhau, không chen ngang, không cướp lời nhau. Nó thân thiện, hòa đồng và cũng hoạt ngôn như con người lúc “buôn dưa lê” và lúc cãi vã nhau vậy. Chúng có thể duy trì các cuộc trò chuyện đến hơn nửa giờ với những con thân quen và cả những con xa lạ mới gặp. Con khỉ cất tiếng hỏi trước 5 giây. Con khỉ đồng loại đợi sau 5 giây “suy nghĩ” rồi mới trả lời. Lúc nói chuyện, khỉ biết nhìn mặt nhau dò xem thái độ của nhau rồi điều chỉnh nhịp điệu cuộc trò chuyện. Các nhà nghiên cứu về loài khỉ cho đó là “nền móng” hình thức giao tiếp chỉ xuất hiện ở con người. Và họ xác nhận rằng những con khỉ cái thường nhiều lời, hay “chuyện trò”, đàn đúm với nhau hơn hẳn khỉ đực.
Một điều bất ngờ và lý thú nữa, loài khỉ sống “thủy chung” với bạn đời của mình. Chúng coi trọng “chế độ một vợ một chồng”. Khỉ đực và khỉ cái sống thành đôi, gắn bó với nhau. Con khỉ “bố” dành nhiều thời gian chăm sóc, yêu thương, chơi đùa với “vợ” con. Các nhà khoa học đã lấy mẫu gien của loài khỉ ở vùng Azara (Argentina), 35 khỉ con là con đẻ của 17 cặp khỉ “bố mẹ”, đã thấy rằng khỉ con đều mang gien di truyền của khỉ “bố”. Điều đó cho ta thấy thật lạ kỳ với một loài động vật hoang dã sống bầy đàn mà chúng “chung tình” đến thế.
Nhóm nhà khoa học thí nghiệm bản gien khỉ đuôi ngắn ở Ấn Độ cũng cho biết loài khỉ ở châu Phi có đến 98% gien giống con người. Loài khỉ ở Ấn Độ cũng có 93% gien giống con người. Và, họ cũng cảnh báo rằng có một loài khỉ ở vùng Đông Nam Á sống trên cao nguyên thuộc đảo Borneo (nơi giáp ba nước Malaysia, Brunei, Indonesia) có chất rất độc Nycticebus Kayan trong miệng. Loài khỉ này thuộc họ cu li (khỉ gió) mũi cong. Nó có họ hàng với cáo và vượn. Họ cũng phát hiện thêm những điều cực kỳ thú vị ở loài khỉ vàng sống ở Indonesia. Nó đã biết dùng “dịch vụ” để “đổi tình”. Và, nó biết dùng “quà cáp” để làm trò “hối lộ”. Những “chàng” khỉ muốn ve vãn mồi chài bạn tình, thường lân la làm quen, chải lông, vuốt ve, bóp chân, xoa lưng, tìm thức ăn về nịnh nọt các “nàng” để mong được... chiều. Những “chàng” khỉ “đa tình” ở các đàn khác muốn mon men đến “trăng hoa” với các “nàng” ở đàn bên cạnh, chúng cũng có những “mánh” riêng. Chúng tìm hái những chùm quả chín, bắt tổ trứng chim đưa đến dâng, cống cho “bác” khỉ đầu đàn để có sự thân tình, dễ dàng lui tới. Và, khi đã chiếm đoạt được các “nàng”, có vây cánh rồi thì nó “dở trò khỉ” gây gổ, xua đuổi “bác” khỉ già để chiếm ngôi đầu đàn.
3. Đâu có ngờ một buổi chiều từ dải núi cao xanh mờ mây khói ấy vang lên tiếng hú, tiếng gào thét thê thảm của “xóm” khỉ vàng. Tiếng hú dữ dằn làm rung động vùng cây rừng vắng lặng. Đàn khỉ rời bỏ “mái nhà chung”, bồng cõng con tháo chạy. Chúng di tản đến cánh rừng gần đồn biên phòng. Đồn trưởng nghĩ ngay đến hiện tượng lạ đó. Anh dự tính đến một tình huống xấu đã xảy ra. Phương án tác chiến được bổ sung. Đội tuần tra chúng tôi lên đường. Đội truy tìm dấu vết chuẩn bị. Mũi bao vây ngăn chặn triển khai chốt chặn các con đường mòn, hẻm núi từ khu rừng đệm vào nội địa. Chúng tôi đến hang đá, nơi “xóm giềng thân thiện” ở thì mọi điều đã rõ ràng. Đất rừng, núi đá còn giữ nguyên hiện trường. Đó là “lời tố cáo” đầy đủ nhất. Bên “sân chơi cộng đồng” của đàn khỉ, chiếc bao ni lông đựng thuốc lọc nước còn nguyên. Ở bờ suối còn rõ dấu vết bếp lửa. Gần đó là hố chôn giấu thức ăn thừa, xương, lông và còn nguyên cái đầu con khỉ. Lẫn trong đó có hai vỏ đạn của súng giảm thanh. Cái hố ấy đã được lấp đất, lá mục và đá đắp lên. Những loài thú rừng tìm mồi đã bới ra. Đội truy tìm dấu vết vào cuộc, có cả chó chiến đấu giúp sức. Toán biệt kích bị diệt gọn lúc chúng đang đặt mìn phá cầu N. là “yết hầu” trên con đường thông quan sang nước bạn.
... Những chuyến tuần tra sau đó, chúng tôi lại đến với “xóm giềng thân thiện”. Cánh rừng đã trở lại bình yên. Đàn khỉ vàng lại ríu rít chuyền cành tìm quả chín. Tiếng hú của chúng lại khoan thai, ngân nga với giai điệu thanh bình, yên ả. Chúng đã trở về “mái nhà chung”. Chúng tôi lại biếu “xóm giềng thân thiện” bánh lương khô, cơm nắm và cả những chùm dâu da chín mọng, quả bứa vàng ươm vừa hái.
Trên “sân chơi cộng đồng”, đàn khỉ vàng nô đùa. Chúng “nói” gì líu ríu với nhau. Chúng cầm tay nhau vui mừng nhảy múa quanh những món quà chúng tôi để lại. Chúng tôi không còn nhìn thấy bóng dáng “ông trưởng xóm” đâu nữa. Song “xóm giềng thân thiện” hình như đã “bầu ông trưởng xóm mới”, trẻ hơn. Da mặt “ông” đỏ và hai quả mông của “ông” cũng rực hồng hơn. “Ông” tỏ ra thân thiện và dám đến gần với chúng tôi hơn. “Ông” biết chìa bàn tay về phía chúng tôi, nhấp nháy mắt, chép môi “nói” gì líu ríu. Không hiểu được ngôn ngữ của “ông”, nhưng chúng tôi đoán... “ông” muốn xin thêm bánh bích quy, muối... Chúng tôi trút hết tất cả những gì mang theo cho “ông”. Và, “ông” cầm đến chia cho cả đàn.
Hôm đó anh đội trưởng rất vui. Vốn là người vùng quê hát phường vải, anh đã cất lên làn điệu Ví trèo non:
“Sớm khỉ rong chơi bên suối biếc
Trưa hót giữa đỉnh rừng vàng
Giữa non xanh mây trắng
Gần bản làng với nhau
Chúng ta cùng giữ đất rừng sâu...”