LTS: Trương Tử Hồ(*) vốn là sinh viên Y khoa Hà Nội, Nam tiến và dừng chân ở chiến trường Quảng Nam, chiến đấu ở đấy suốt cả thời chống Pháp - chống Mỹ, anh vào chiến trường Nam Bộ, sau giải phóng 1975 là chuyên gia kinh tế của Thành ủy TP Hồ Chí Minh.
Anh vốn xuất thân trong một gia đình Nho học lâu đời, cháu của ông Nghè Khiếu Năng Tĩnh (1835-?), một nhà văn hóa nổi tiếng, làm quan Đốc học Hà Nội, Quốc tử giám tế tửu, Giám đốc Đại học Hoàng gia.
Nhận nhiệm vụ
Đó là vào khoảng đầu năm 1946, tôi là tiểu đội trưởng trong đội Trinh sát xung phong của tỉnh Thanh Hóa, trực thuộc Ủy ban tỉnh.
Một hôm anh Lê Tất Đắc, Chủ tịch tỉnh, trực tiếp gặp tôi trao đổi, đại ý: Ta nắm được tình hình có một số người, có lẽ là Quốc dân đảng đã vào đến đồn điền Di Linh ở huyện Nông Cống, nhưng bao nhiêu người, hoạt động như thế nào, dự định làm gì… ta chưa biết. Tôi được nhiệm vụ vào đấy trinh sát và báo cáo về. Cung cách làm là tôi sẽ vào công khai rồi tùy tình hình nắm được mà có cách báo cáo về, đề nghị cách đối phó. Anh Đắc sẽ trực tiếp chỉ đạo tôi qua đường dây liên lạc riêng mà tôi sẽ được biết sau.
Đồn điền Di Linh là loại lớn. Tôi đã vào đấy nhiều lần. Chủ đồn điền là ông Trần Văn Gioãn có tám người con trai, tất cả đều cao to, có học, cưỡi ngựa, bắn súng giỏi, chia nhau ở tám cơ ngơi trông coi đồn điền. Vợ cả của ông Gioãn đã mất, lấy thêm bà kế là một bà cô em ông nội tôi. Dân làng tôi, một làng đất ít người đông, vào đấy làm phu khá nhiều.
Bị bắt
Tôi có một người em gái họ lấy người con thứ năm của ông chủ đồn điền, tên là Năm Đán, nhà ở ngay đầu đường cái vào đồn điền. Hai người đã có một cháu trai, lúc ấy độ bốn tuổi. Tôi quyết định vào thẳng đấy với danh nghĩa: “Được nghỉ phép vào chơi thăm…”.
Tôi đến nhà lúc trưa, ăn cơm xong ngủ một giấc dài, dậy chơi với cháu nhỏ rồi chuẩn bị ăn tối.
Mâm cơm bày trên giường giữa gian ngoài. Một ngọn đèn to để trên ghế đẩu ở giữa nhà.
Tôi vừa cầm đũa lên thì có tiếng chân rầm rập ngoài cửa. Vụt hiện trước mặt tôi, cạnh Năm Đán là một thanh niên, sắc mặt dữ tợn, tay cặp một tiểu liên chĩa thẳng vào phía tôi. Ngay lập tức một cái gì cứng lạnh dí vào lưng tôi với tiếng quát: “Giơ tay lên!”. Hai vợ chồng Năm Đán đứng im nhìn tôi. Bé nhỏ òa khóc. Tôi hơi bất ngờ, thoáng liếc quanh, chợt hiểu tất cả.
Tôi thong thả bỏ đũa xuống. Tên ở phía sau tôi lấy thừng trói giật cánh khuỷu tôi ra sau, kéo tôi đứng dậy, lôi tôi bước xuống đất, đẩy ra phía cửa. Hai tên cầm tiểu liên xốc hai bên nách tôi, dẫn ra ngoài đường, ngay trước mặt nhà.
Đây là một con đường chính, khá rộng, hai bên có nhà của dân. Đón ở trước cửa nhà Năm Đán còn có một lô - có lẽ năm, sáu tên cũng kẹp tiểu liên - ráp vào thành một đoàn, tôi đi giữa, hai bên và phía sau là bọn chúng, tất cả im lặng, đi vào phía trong đồn điền.
Đêm ấy có trăng mờ mờ, có lẽ khoảng mùng 8, mùng 9 ta, đường vắng tanh. Nhà hai bên đều đóng cửa nhưng tôi nhìn kỹ thì thấy hầu hết cửa đều he hé, chắc chắn có người bên trong nhìn ra.
Tôi chủ động đi thong thả, thầm nghĩ dân là của đồn điền nhưng nhất định không phải đã theo chúng. Tôi chợt nảy ra “sáng kiến” vừa đi vừa huýt sáo bài Tiến quân ca, tự nhủ: “Sẽ có người biết có Việt Minh bị bắt, thế nào ngày mai cũng loan tin ấy ra khắp xung quanh đồn điền, anh Đắc sẽ biết…”.
Chúng dẫn tôi vào gian giữa phòng khách nhà Cả Bân, có một tên cởi trói cho tôi, chỉ tôi ngồi vào một ghế dựa, rồi kéo nhau vào phòng bên hội ý. Một tên cao to, trắng trẻo, đeo kính trắng, nửa trí thức nửa kinh doanh, ghé đến ngồi lên mặt bàn trước mặt tôi, một chân chấm đất, một chân buông thõng, một tay chống nạnh, một tay đặt lên đùi, cúi nhìn chằm chằm vào tôi rồi hỏi, thong thả: “Anh vào đây làm gì?”. Tôi nói: “Tôi nghỉ phép vào thăm bà con”. Hắn ngồi thẳng người lên, mặt tỏ vẻ không bằng lòng, vừa kênh kiệu vừa bỡn cợt, đầu nghiêng bên nọ rồi nghiêng bên kia. Hắn lại cúi xuống, vẫn nhẹ nhàng: “Tôi hỏi lại, anh hãy nói thật. Anh vào đây làm gì?”. Tôi vẫn điềm tĩnh: “Tôi nói rồi, tôi nghỉ phép…”. Hắn không nghe tôi nói hết câu, đứng phắt dậy, phất tay kéo cả lũ vào lại buồng bên. Có hai tên kẹp tiểu liên vẫn chĩa súng vào sau lưng tôi, đứng canh chừng.
Chúng lại kéo nhau ra, một tên trói hai tay tôi lại, không giật cánh khuỷu như trước mà trói phía trước, hai cổ tay. Một tên lấy khăn bịt mắt tôi rồi hai tên hai bên dẫn tôi đi.
Đồn điền này tôi đã đi quanh, với hai người bạn là con trai của Cả Bân, nhiều lần, lúc bằng ngựa, lúc đi bộ, có khi cả cưỡi trâu với lũ trẻ trong đồn điền. Những con đường lớn trong đồn điền tôi đều biết nhưng đêm ấy tôi bị bịt mắt, dù đi thong thả, tôi cố đoán, cố hình dung song cũng không định được chắc là đi những đường nào và hình như chúng cố ý dẫn tôi đi loanh quanh; cuối cùng cũng đến một căn nhà, theo tôi hình dung thì có thể là một căn nhà của Sáu Đạt, Bảy Di hay Tám Phong gì đó.
Tôi bị đẩy vào ổ rơm có trải chiếu ở trên. Một tên cởi trói tay tôi, lấy một dây xích khóa hai chân tôi lại rồi lẳng lặng đi ra.
Trong buồng giam
Tên xích chân tôi vừa đi ra, tôi nghe tiếng khóa cửa thì nằm lăn ra chiếc chiếu trên đệm rơm và ngủ thiếp đi.
Giật mình dậy, thấy có ánh sáng le lói. Nhìn ở góc buồng có một chiếc đèn hoa kỳ (đèn nhỏ, có bấc tròn bằng chiếc đũa, thắp bằng dầu hỏa). Tôi cục cựa thấy chân nặng chịch, nhìn xuống có chiếc xích to tướng, tôi nhớ dần dần lại từng việc.
Rõ ràng cái cớ của tôi vào đồn điền này là rất hợp lệ, mọi việc đều công khai. Anh Đắc nói tình hình nắm chưa chắc, nhưng nếu là Quốc dân đảng thì nhất định họ sẽ nghi ngờ, cảnh giác. Dù sao thì tôi cũng chỉ đi có một mình, lại đàng hoàng, mọi hành vi của tôi họ dễ dàng theo dõi, kiểm tra. Tôi đoán rằng họ sẽ để im cho tôi hoạt động một thời gian đến khi tôi có “một hành động” nào đó, họ sẽ bắt quả tang và toàn quyền xử lý.
Nhưng họ đã bắt và giam tôi ngay khi tôi chân ướt chân ráo mới vào, chưa làm gì cả. Tôi kết luận: “Họ đã phạm một hạ sách”. Sau này qua nhiều diễn biến, tôi thấy lúc ấy hoàn cảnh của họ đã “có nhiều bức xúc” nhưng dù sao tôi vẫn thấy đó là “hạ sách”.
Căn buồng rộng khoảng 12-13m2, ổ rơm ở góc trong cùng, vừa tròn một chiếc chiếu, rất dày, êm. Xung quanh tường kín, không cửa sổ, chỉ một cửa ra vào, có lẽ trước đây là phòng để đồ. Cạnh ổ rơm có một cái bàn mộc bé, thấp, trên là chiếc đèn hoa kỳ, dưới đất là một cái bô có nắp. Tôi nằm trong cái buồng này vừa đúng 30 ngày, 29 đêm, hai chân lúc nào cũng xích, mọi hoạt động cá nhân làm tại chỗ, cả ăn, uống, tiểu, đại tiện… Người “phục vụ” cho tôi chỉ có một, lầm lì, chẳng nói câu nào, mọi việc ra hiệu bằng mắt, tay, chân, nhưng vẻ mặt tôi lại thấy hiền lành, có cái gì đó chất phác như thanh niên tỉnh lẻ. Tôi cũng đoán được hoàn cảnh của anh ta, không dò hỏi, không trao đổi gì, chỉ thỉnh thoảng hai tiếng: “cám ơn”.
Căn nhà hình như nằm riêng biệt, ở giữa đồng vì xung quanh rất im ắng. Khi cửa mở, tôi nhìn ra ngoài thấy buồng bên là phòng khách, có một bộ bàn ghế cổ rất sang, gỗ quý, chân quỳ, chạm trổ tinh vi, mặt giữa bàn và ghế là một miếng đá màu cẩm thạch vân xanh đậm, thường chỉ có ở những nhà quyền quý giàu sang. Ngoài cửa là một hàng cau và một cái sân rộng.
Suốt 30 ngày đêm bị giam, tôi có ra gian ngoài mấy lần nhưng không ra khỏi nhà. Và lần ra khỏi nhà lần đầu cũng là lần cuối, là để thả tôi ra, tôi cũng bị bịt mắt nhưng có lời xin lỗi trước rồi được dìu lên lưng ngựa để ra khỏi vùng đó, chắc chắn là để tôi không biết cụ thể nơi tôi bị giam, liên quan đến quan hệ giữa tôi và gia đình ông chủ đồn điền.
Có một điều tôi ghi nhận là từ sau khi bị bắt ở nhà Năm Đán cho đến khi tôi lên xe về lại Ủy ban Thanh Hóa, tôi không gặp bất cứ một người nào là con, cháu (rất đông) của ông chủ đồn điền. Theo tôi, chắc chắn vai trò của tám người con trai ấy trong vụ này phải có, có thể là quan trọng nữa, nhưng không ai ra mặt tiếp xúc với tôi.
Bao vây “ghét mặt đánh chơi”
Ngay sáng hôm sau ngày tôi bị bắt, ở trong buồng giam, tôi đã nghe tiếng súng - súng trường - từng phát một, ở khá xa nhưng rất rõ. Đến trưa thì tiếng nổ nhiều hơn, đến chiều và tối lại có cả tiếng tiểu liên.
Sau này, tôi được biết là trước lúc tôi vào, chính quyền vùng xung quanh đồn điền đã biết nhưng không rõ, không chắc - là có lực lượng bên ngoài, ở xa vào đồn điền hoạt động. Chuyện tôi bị bắt, bị trói gô, có những tên cầm súng dẫn giải từ nhà Năm Đán ra, lại vừa đi vừa huýt sáo bài Tiến quân ca, ngay đêm hôm ấy đã đến tai cán bộ địa phương, và sáng hôm sau đã tới văn phòng anh Đắc.
Chỉ hai, ba ngày sau, một vành đai bao vây quanh đồn điền đã hình thành. Tiếng súng tôi nghe là ở phía đối diện với buồng tôi, phía trái căn nhà. Dần dần tiếng người qua lại ngoài buồng nhiều hơn, bàn tán với nhau, tổng hợp lại tôi biết cách căn nhà tôi bị giam khoảng 700-800m có một con suối, là ranh giới giữa đồn điền và bên ngoài, bao quanh một phần phía bắc đồn điền. Bên kia suối, bộ đội địa phương, dân quân đã bao vây, thỉnh thoảng bắn, lúc ấy có lẽ để uy hiếp hơn là có mục tiêu cụ thể.
Trong khi bị giam, cái tôi chú ý nhiều nhất là cái xích xích hai chân tôi. Mới nhìn cũng thấy ngay không phải là một cái xích bình thường, càng không phải là một cái xích lấy vội đâu đó để xích tôi khi bắt tôi khẩn cấp. Đây phải là một cái xích đã làm từ trước, có thể là sản xuất hàng loạt, sẵn sàng đón nhận “tù nhân”. Các mắt xích tròn, nhỏ, rất đều, móc vào nhau và vận động nhẹ nhàng, bên ngoài là một lớp ống nhựa màu vàng đậm, dẻo, cà vào da khá êm. Xích móc vào hai chân, bằng hai cái khóa nhỏ vừa khít, không to nhưng lại khá nặng, đủ để người bị xích đi lại không quá khó cũng không dễ dàng, có thể từng bước một nhưng không thể đi nhanh cũng không thể chạy.
Tôi mới bị bắt mà đã có xích này! Chủ nhân sản xuất nó đã có nghiên cứu và chuẩn bị trước, cho nhiều người cùng lúc? Và nó đã được dùng cho bao nhiêu người, ở đâu?
Nhưng điều quan trọng là với kiểu xích suốt ngày đêm và với xích này, ở một địa điểm như thế này, thì tôi không thể tính “bài chạy trốn” được. Sau khi quan sát, suy nghĩ kỹ nhiều điều, tôi quyết định: Chịu bị giam, chuẩn bị đối phó với mọi tình huống, đến đâu tính đến đó,“trường hợp nào cũng có cách giải quyết”. Tôi lập ngay “một cái lịch” bằng cọng rơm, ở sát cái bàn gỗ, nhìn vào là thấy tôi đã bị giam bao lâu.
Một buổi sáng, khoảng gần trưa, vào ngày thứ 15 sau khi bị bắt, tôi nghe tiếng ồn ào ngoài phòng khách. Cửa buồng mở, tôi được dắt ra ngoài, chỉ cho ngồi vào một cái ghế, chân vẫn bị xích. Tôi để hai chân lên thành dưới cái bàn tròn, đầu tựa vào thành cao của ghế, hai tay đặt lên hai thành hai bên ghế.
Lố nhố trước mặt tôi khá nhiều thanh niên, mặc đồng phục màu vàng, có cổ cứng, cầu vai, túi nhỏ ở trên ngực, túi to ở dưới bụng, thắt lưng to bản, đứng gần chật căn phòng. Một tên cao to, trắng trẻo đặt đít lên mặt bàn, ngay trước mặt tôi, một chân co nửa vời, một chân chạm đất, tay phải chống nạnh, tay trái để xuôi theo đùi trái.
Nó nhìn tôi chằm chằm. Tôi cũng thản nhiên nhìn lại. Cả hai không nói năng gì. Đột nhiên tay phải nó bung ra, quai tôi một cái, rất mạnh, làm một phần trên của người tôi xoay hết qua phải, phía ngoài cửa. Tôi đã định bụng sẵn sàng đối phó với mọi tình thế nhưng cũng hơi bất ngờ, rồi lại trấn tĩnh được ngay, quay mặt ngồi lại bình thường, nhìn thẳng vào nó, hơi cười mỉm.
Tôi thấy mặt nó đỏ ửng lên, lại bất thần vung cả hai tay quai liên tiếp vào cằm tôi hai cái nữa, một cái đẩy mặt tôi qua trái, một cái là một cú móc ngược cằm tôi lên trên, làm đầu tôi bật ngửa ra sau đập vào đỉnh ghế đau điếng. Hình như đã hả giận, tên ấy đứng dậy, hét to: “Tao ghét cái mặt mày, đánh mấy cái chơi”. Rồi nó bỏ đi, đến cửa còn quay lại nói với: “Cứ vênh cái mặt lên, hãy đợi đấy!”. Cả bọn lục tục đi ra theo.
Tôi được dắt lại vào buồng giam, nằm xuống nệm rơm, tôi rờ tay lên miệng thấy đầy máu.
“Chuẩn bị lấy máu tế cờ”
Từ ngày thứ 20 (tôi bị bắt) trở đi, căn nhà giam tôi nhộn nhịp hẳn lên, có nhiều lúc khá ồn ào. Bọn chúng kéo nhau đến, ngày thêm đông, trao đổi, tranh luận, đôi khi khá to tiếng, không hiểu là không thèm chú ý đến sự có mặt của tôi hay có ý để tôi nghe thấy.
Qua theo dõi, tôi có thể hiểu:
- Đây là một chiến khu của chúng, có bộ tư lệnh, bộ tham mưu. Chúng sẽ xây dựng thành một pháo đài vững chắc ở miền Trung, làm chỗ dựa cho đoàn quân ở miền Bắc và bàn đạp cho phát triển vào phía Nam. Trong đồn điền có nhiều thuận lợi, có thể là chỗ dựa đáng tin cậy, còn vùng xung quanh lại hoàn toàn là của Việt Minh, không khéo thì sẽ bị cô lập, từ đó sẽ nảy sinh rất nhiều khó khăn.
- Có đôi lúc, một số tên trao đổi với nhau về tính toán của cấp trên của chúng, trước mắt có những thuận lợi do chính sách mềm dẻo của ông Hồ (Bác Hồ) nhưng về lâu dài e rồi Trung Hoa dân quốc (Tàu Tưởng) có thể không ở lại Việt Nam. Lúc đó sẽ là thảm họa (danh từ một số tên dùng) đối với chúng.
- Chỉ sau một thời gian ngắn vào đồn điền này, Việt Minh đã biết và đã bao vây, người thường đi lại được nhưng xe cộ không đi được, vũ khí và lương thực không vào được. Đồn điền có thể tự túc được một năm nhưng sau đó thì cạn.
- Ở tỉnh Thanh Hóa đã có đại diện của Việt Minh vào đàm phán với Bộ tư lệnh của chúng, đặt vấn đề hòa giải, không nổ súng vào nhau, sẽ bỏ bao vây để cho chúng rút ra khỏi đồn điền đem theo tất cả những ai, những gì chúng muốn, nếu cần Việt Minh sẽ giúp đỡ phương tiện. Phía Việt Minh cam kết không có trả thù, không có phân biệt đối xử nào với bất cứ ai trong đồn điền.
Theo lời những tên đến nhà ngoài phòng giam tôi tranh luận thì lúc đầu Bộ tư lệnh của chúng không chịu, nhất quyết đòi đóng quân tại đồn điền không những lâu dài mà còn trở thành công khai, có liên hệ với trung ương của chúng ngoài Hà Nội.
Kết quả bước đầu là ta siết chặt bao vây hơn, tiếng súng nổ nhiều hơn, ở trong buồng giam tôi nghe có lúc rất gần, liên tục, như có chiến đấu thực sự.
Một đêm, đêm thứ 23 tôi bị giam, vào khoảng 9 giờ tối, cửa buồng giam tôi bật mở. Một tên vào bảo tôi dậy, đi ra buồng ngoài. Một cái đèn khá to, sáng, treo giữa nhà. Lố nhố ở đấy đã có năm, sáu tên trang bị tiểu liên đầy đủ, mặt hầm hầm. Một tên lấy thừng trói giật cánh khuỷu tôi lại, bảo: “Chuẩn bị mà đi tế cờ”. Tôi chưa kịp hiểu, một tên khác như giải thích: “Bọn tao không chịu đầu hàng, quyết sống mái với chúng mày. Bọn tao sẽ bắn mày lấy máu tế cờ rồi chiến đấu đến cùng”.
À ra thế! Từ sau khi bị đánh dằn mặt “cho bõ ghét” (ngày thứ 15), tôi đã nghĩ đến nhiều tình huống có thể xảy ra. Điều tôi tự khẳng định, không thay đổi, là sẽ không chạy trốn, chủ yếu vì không thể chạy trốn như hoàn cảnh thực tế của tôi. Còn bị gông cùm, bị đối xử tồi tệ hơn (bỏ đói, đánh đập…) thậm chí bị thủ tiêu tôi cũng không sợ.
Tuy nhiên, đem tôi ra tế cờ thì là điều tôi chưa nghĩ tới. Bây giờ đây, ngồi viết những dòng này, tôi còn thấy rất rõ cảm giác đầu tiên của tôi khi nghe mấy tiếng “lấy máu tế cờ”: rất bình thản, rất ung dung, trong sâu xa hình như còn pha một chút gì tự hào.
Có thể điều này có người không tin, nhưng ai đã từng chịu cái nhục mất nước, từng thấy đồng bào mình chết đói nằm la liệt bên đường, cá nhân tôi từng bị một tên Tây con đạp vào ngực cho ngã ngửa xuống sân ga khi tôi bước nhầm lên một toa “sơ gông” (hạng hai) với một câu rủa: “sale anamite”(đồ An Nam bẩn thỉu); những ai đã từng hồ hởi đi biểu tình tham gia cướp chính quyền hồi tháng 8-1945, đi rải truyền đơn cả đêm, hô khẩu hiệu đến khản cổ, rồi hăng hái tham gia các công tác cách mạng đến quên cả ăn, bỏ cả ngủ…, tôi nghĩ, sẽ thông hiểu cảm giác ấy của tôi lúc đó. Chúng tôi đã rất thành thực với mình khi hát vang: “Mong xác trong da ngựa bọc thân thế trai” (tuy thực tế chúng tôi biết chẳng bao giờ ta lại giết ngựa để lấy da bọc thây tử sĩ).
Thế là tôi ung dung ngồi xuống ghế, bình thản nhìn bọn chúng và chờ. Nhưng, một lát sau, một tên ở ngoài chạy vào, ghé tai nói nhỏ gì với bọn chúng. Tất cả chúng quay lưng, lẳng lặng đi ra. Tôi lại được đưa vào nằm lại trên nệm rơm.
Lúc này tôi mới thong thả hình dung những việc tôi sẽ làm khi bị dẫn đi tế cờ. Đến nơi, tôi sẽ buộc phải cởi trói, không chịu bịt mắt. Tôi cũng thấy háo hức với ý nghĩ xem thử cờ của chúng là cờ gì. Tôi sẽ nhổ một bãi về phía lá cờ đó rồi quay lưng lại, đàng hoàng nhìn về phía những tên nổ súng. Khi chúng giơ súng lên, tôi sẽ hô khẩu hiệu, 3 lần: “Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Tôi thấy tự bằng lòng với mình và rất thanh thản…
Mấy ngày sau đó, tiếng súng nổ rất nhiều, cả ngày lẫn đêm. Tôi còn bị dựng dậy hai lần nữa, vào tối ngày thứ 25, 27 (sau khi bị bắt), cũng bị trói, dẫn ra nhà ngoài, chuẩn bị đi rồi lại cũng có tên về báo nhỏ vào tai chúng và chúng lại lẳng lặng rút lui.
Và đến sáng ngày thứ 30 thì tôi thấy tiếng súng đột nhiên im hẳn. Một tên vào gặp tôi và tôi được giải thoát.
Đoạn kết
Đi khỏi chỗ tôi bị giam một quãng xa thì tôi được gỡ khăn bịt mắt. Tôi nhìn xung quanh: một cánh đồng bao la, không một bóng người.
Tôi được đưa đến gia đình một bà cô của tôi, chồng là một công chức của chế độ cũ, sau Cách mạng tháng Tám thì thất nghiệp, kéo nhau vào đây kiếm sống. Mọi người chạy ùa ra cửa đón tôi, ôm tôi, vừa cười vừa khóc…
Một chiếc Commăngca đỗ trước cửa. Lái xe vào gặp tôi: “Anh Đắc nói đưa anh về Ủy ban”. Xe đi xa rồi, ngoái lại, tôi vẫn thấy mọi người đứng đấy nhìn theo, vẫy vẫy…
Anh Đắc đi họp ở Trung ương. Anh K., thư ký riêng của anh Đắc, đón tôi. Anh kể lại, ngay sau ngày tôi bị bắt, anh Đắc đã biết tin và Trung ương đã chỉ đạo rất chặt chẽ vì liên quan đến ngoại giao toàn cục, cần nhanh chóng loại bỏ lực lượng này, để chỉ còn phải đối phó với một kẻ thù chủ yếu là thực dân Pháp.
Với số ở Di Linh (mà anh K. nói lại tôi mới biết đó là Đệ lục chiến khu của Quốc dân đảng), ưu thế của chúng là có sự giúp đỡ rất lớn của gia đình ông chủ Trần Văn Gioãn với lực lượng hậu cần trước mắt và dự trữ rất hùng hậu nhưng dân trong đồn điền phần lớn đúng là “phu” - làm việc tập trung, theo tiếng trống tập họp và nghỉ việc (trống rất to, treo ở nhà chính của chủ Gioãn); tiểu chủ rất ít (thuê lại ruộng, cấy rẽ…). Mức sống tất cả đều ở mức nghèo khó trở xuống, không phải dễ dàng nghe theo chúng mà chúng cũng không có cách tuyên truyền lôi kéo phù hợp.
Khi đặt vấn đề đối phó, Trung ương đã phân tích mọi thuận lợi, khó khăn, chủ trương kiên quyết “nhổ bỏ cái gai đó” nhưng tránh trường hợp phải đổ máu, chủ yếu là không để tổn hại đến dân thường và thực tế ta có rất nhiều ưu thế buộc chúng phải nghe theo dưới danh nghĩa trước mắt (không phải lừa bịp) là hợp tác, hòa hợp.
Tỉnh đã tạo thuận lợi cho chúng rút đi, chịu để cho chúng khi về đến thị xã Thanh Hóa chiếm trụ sở của Sở Nông Giang tỉnh (trên đường đi ra ga xe lửa Thanh Hóa) làm đồn lũy.
Nhưng cuối cùng là khi quân Tưởng rút về Tàu, đồn lũy này và tất cả các ổ Quốc dân đảng ở Hà Nội và các nơi sau một đêm đều biến mất.
Tháng 1-1970, theo yêu cầu của tổ chức, anh Nguyễn Khắc Thiệu, người đã dự việc anh Đắc giao nhiệm vụ cho tôi năm 1946, lúc này là Trưởng phòng Triển lãm văn hóa đối ngoại tại Ủy ban liên lạc văn hóa với nước ngoài ở Hà Nội, có ký một giấy chứng nhận việc tôi vào đồn điền Di Linh: “… đã bị bọn phản động bắt giữ một thời gian ngắn nhưng cũng không gây thiệt hại gì cho cách mạng và cũng đã giữ được khí tiết cách mạng, không khai báo điều gì và cũng đã cung cấp được một số tin tức cần thiết cho kế hoạch trấn áp bọn phản động Quốc dân đảng sau này…”. Giấy chứng nhận này có sự xác nhận của anh Lê Tất Đắc lúc đó là Thứ trưởng Bộ Nội vụ.
_____
(*) Trương Tử Hồ không phải dòng dõi Trương Tử Phòng(!), mà là dòng dõi Khiếu Năng Tĩnh, tên thật là Khiếu Hữu Rị (đúng hơn là Dị; người vùng Thái Bình – Nam Định phát âm d = r, nên nhiều người có tên Rị phải hiểu là Dị) (H.V.)