Trường Quốc Học Huế được thành lập năm 1896 theo dụ của nhà vua yêu nước Thành Thái. Trường chỉ có bậc trung học cơ sở. Niên khóa 1936-1937, trường đổi tên là Lycée Khải Định, bắt đầu có hệ trung học phổ thông và thi tú tài bán phần, tú tài toàn phần. Năm học đầu tiên, các học sinh lớp 11, 12 rút từ trường Albert Sarraut ở Sài Gòn và trường Bưởi Hà Nội.
Các ông Xuân Diệu, Mai Chí Thọ, Nguyễn Khắc Viện... cũng vào học Lycée Khải Định từ thời ấy. Giáo sư Nguyễn Hữu Thứ, cố Hiệu trưởng trường Trung học Khải Định hai niên khoá 1948-1949 và 1949-1950, ở hồi ký Kỷ niệm ký túc xá Quốc học với thi nhân Tế Hanh, Xuân Diệu, Huy Cận in trong tập Một thời Quốc học xuất bản ở Toronto - Canada năm 2002 có đoạn:
“Hai nhà thơ Xuân Diệu, Huy Cận học trên tôi 2 lớp nên tôi ở chung Dortoir IV một năm mà thôi. Lưu trú sinh ở D. IV thuộc ban tú tài chỉ lớp Seconde, tương đương với lớp 10 là không thi gì, học sinh rảnh, hai lớp còn lại thi tú tài I, tú tài II mà chương trình rất nặng, nên ai cũng lo "học gạo", không có thì giờ chuyện trò thân mật. Nếu trời tốt, giờ nghỉ là ra sân tập thể dục, thể thao hoặc bách bộ để nghỉ ngơi cho lại sức. Đó là nói chung chung. Riêng anh Huy Cận không thấy tập thể dục hay chơi thể thao mà lặng lẽ làm việc riêng. Anh Xuân Diệu cũng không chơi thể thao, không làm việc riêng gì, thường đi chơi với một học sinh nhỏ ở Dortoir II hay Dortoir III, luôn luôn có một bạn trai nào đó, có thể khác nhau tùy giai đoạn và không bao giờ thấy Xuân Diệu có một bạn gái nào.
Ngày chủ nhật hay ngày lễ, anh Huy Cận thường cũng hay ra, có lúc ở lại ký túc xá, anh Xuân Diệu ra ngoài nhiều hơn là ở lại. Lúc ra, anh xoa đầu cho tóc - đã quắn - có vẻ... vô trật tự hơn nữa, rồi đứng đường Lê Lợi, góc trước trường, gần cabin điện, gần trường Đồng Khánh, để nhìn các nữ sinh rời ký túc xá trong đồng phục màu xanh biển. Nhìn một cách nên thơ thôi chứ không làm gì cả. Lúc các nữ sinh ra hết, anh mới đi chỗ khác.
Tôi có cảm tưởng rằng anh Xuân Diệu làm thơ dễ dàng lắm, không thấy anh viết gì lúc vào phòng học. Anh Huy Cận cũng học, viết như những lưu trú sinh khác, không rõ anh làm thơ hay làm bài. Có một ngày nghỉ, tôi hướng dẫn một số bạn xa đi thăm một số làng bằng xe đạp. Lúc đến gần mộ của vua Minh Mạng trong lăng, chúng tôi thấy anh Huy Cận làm thơ hay viết gì có vẻ chăm chú lắm; nơi đó, khung cảnh đẹp mà ít người qua lại. Còn anh Xuân Diệu nhân đi chơi ở con đường từ Nam Giao đến lăng Tự Đức, vùng lăng Tùng Thiện Vương đi cùng các lưu trú sinh nơi đầy thông, rất đẹp về mùa xuân, lúc về chuẩn bị viết Phấn thông vàng.
Ai cũng biết trước đây hai nhà thơ trên nổi tiếng là viết văn chương trữ tình, mỗi người một cách. Trong bài tựa cho cuốn Thơ Thơ của Xuân Diệu, Thế Lữ viết: “Mục đích của đời người là sự sống. Mà còn gì làm sống đầy đủ hơn là Xuân và Tình? cho nên Xuân Diệu say đắm với tình yêu và hăng hái với mùa xuân... Sở dĩ Xuân Diệu tham lam với tình yêu… là bởi vì thi sĩ rất sợ cô độc. Đọc lắm bài của Xuân Diệu, người ta có cảm tưởng rằng nhà thơ thường nghĩ đến tình cảm “khăng khít” nhiều như bài Xa cách:
Có một bận em ngồi xa anh quá, Anh bảo em ngồi xích lại gần hơn Em ngoan ngoãn xích lại gần hơn chút nữa Anh vẫn giận em mỉm cười vội vã Đến kề anh và mơn trớn “em đây” ... Hãy sát đôi đầu! Hãy kề đôi ngực! Hãy hôn nhau đôi mái tóc ngắn dài! Những cánh tay! Hãy quấn quýt đôi vai! Hãy dâng cả tình yêu lên sóng mắt! Hãy khăng khít những cặp môi gắn chặt Cho anh nghe đôi hàm ngọc của răng Trong say sưa anh sẽ bảo em rằng “Gần thêm nữa! Thế vẫn còn xa lắm”. |
Viết thì vậy, trong thực tế, không phải thế. Tuy mỗi ngày nghỉ anh Xuân Diệu ra đứng ở góc trường để nhìn các nữ sinh nội trú đi qua, mà không bao giờ ai thấy thi nhân “đưa Ngọ về” cả. Trong danh sách nữ sinh mà tôi có nói đến lúc viết về Tế Hanh, không thấy tên cô nào có một bên “Xuân Diệu’s”.
Nhà thơ Trà My Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Thừa Thiên Huế, dạy học ở trường Nữ trung học Đồng Khánh trong hồi ký Cảm nhận Đồng Khánh có nhắc đến nhà thơ Xuân Diệu:
“Trong một buổi “học chạy” sang dạy nhà trệt, cách trường Đồng Khánh bằng một con đường, lớp chúng tôi đang nhốn nháo vì quá 10 phút mà thầy dạy Anh văn (thầy Nguyễn Đức Mai) chưa đến. Nhiều tên trong lớp đã nhảy lên thềm cửa sổ hướng sang phía Đồng Khánh nhìn dáo dác. Đang lúc lộn xộn thì thầy giám thị Trần Thanh Tánh đi vào lớp. Trật tự của lớp học được nhanh chóng lập lại, thầy Trần Thanh Tánh đã cao hứng nói chuyện với học sinh “Các cậu là học sinh Đệ tam C1 phải không?”. “Ban C1 - Văn chương thì có biết thơ Xuân Diệu viết về Quốc Học - Đồng Khánh không?”.
Câu mở đầu của thầy giám thị làm cả lớp chưng hửng vì chưa ai biết. Rồi theo đà xúi bẩy của học sinh, thầy Tánh đã kể lại câu chuyện mà theo thầy là do thầy Tổng giám thị Đặng Văn Kế trước đây kể lại: Xuân Diệu từ khi ngồi trên ghế trường Quốc Học đã có những bài thơ hay. Một lần trong giờ chép bài, Xuân Diệu đã bị thầy giáo bắt gặp “cái tội” không chịu chép bài làm mà ngồi làm thơ. Bài thơ của Xuân Diệu còn bị thầy chê “thơ sáo mòn”, trời đang sáng trưng mà lại còn bày đặt “hôm nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm”. Xuân Diệu đã phải ngậm bồ hòn không dám cãi, nhưng khi hết giờ nhà thơ mới phản công với bạn bè “thầy không hiểu gì về thơ”.
Thì ra “mặt trời” của Xuân Diệu không phải là mặt trời mà là cô bạn nhỏ Đồng Khánh ở bên kia đường. Hôm đó trời mưa lạnh, nước lũ đang dâng lên, trường Đồng Khánh cho học sinh nghỉ học. Xuân Diệu không còn thấy được những cánh tay vẫy vẫy phía Đồng Khánh nên đã viết:
Hôm nay lạnh, mặt trời đi ngủ sớm Anh nhớ em, em hỡi, anh nhớ em! |
Và từ hôm đó cũng không cần tìm hiểu câu chuyện của thầy Trần Thanh Tánh chính xác đến đâu, chúng tôi đã tiếp nhận một điều thú vị: Đồng Khánh là mặt trời của học sinh Quốc Học, một mặt trời không những biết đi ngủ sớm mà còn biết che nón làm duyên, biết vẫy tay và tinh nghịch truyền những tín hiệu “gửi hôn cho gió” bằng những ngón tay xinh đẹp”.
Những năm 1950-1954, khi học ở trường Trung học Khải Định, thế hệ học sinh chúng tôi thường tự hào nhắc đến các nhà thơ đã học ở khóa trước như: Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Tế Hanh, Tố Hữu, Nam Trân, Bích Khê, Phạm Hầu, Nguyễn Xuân Sanh, Khương Hữu Dụng... Chúng tôi sung sướng khi đọc những lời của Ngô Xuân Diệu gửi lại cho thế hệ đàn em: “Anh giao cho em trường học thân yêu, tổ ấm của hồn ta lấy sức; anh giao cho em phòng học sáng sủa, hiên trường có tiếng guốc vang... bụi chuối sau hè, hàng cửa xanh trước mắt, bóng rót mát như tóc chảy... và giao lại cho em cả gió cả trăng”.
Trong bài thơ Lưu học sinh, Xuân Diệu tâm sự:
... Khi ấy lòng xanh mới đón tình Rào trường ngăn giữ kín vườn xinh, Chàng trai nhỏ nhé, tôi khi ấy Đi giữa thiên nhiên để kiếm mình... ... Ai trả cho tôi những mộng đầu Người con gái nhỏ áo sai bâu, Đoạn tình thứ nhất sương bao ấp, Hoa cỏ đưa thơ, lá bắc cầu. |
Nhà thơ luôn nhớ Huế và nhớ trường Quốc Học Huế.
Vừa độ trai tơ, xuân lại sang Hoa tươi thêm Huế lại mơ màng Men trời sực nức nhưng mau lạ Biết trước cho nên đã vội vàng.(Trò chuyện với Thơ thơ) |
“TIẾNG THƠ” CỦA XUÂN DIỆU
Chúng tôi tìm các tập thơ của các nhà thơ mà Hoài Thanh và Hoài Chân đã nhắc đến trong Thi nhân Việt Nam và chép thành những tập mỏng. Chúng tôi sưu tầm đủ các tập Thơ thơ, Gửi hương cho gió của Xuân Diệu, Lửa thiêng của Huy Cận, Mấy vần thơ của Thế Lữ, Tiếng thu của Lưu Trọng Lư, Điêu tàn của Chế Lan Viên và thơ của nhiều nhà thơ khác.
Với tấm lòng ngưỡng mộ các nhà thơ trên, không ngờ từ cuối năm 1961 tôi trở thành biên tập viên Tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam, có nhiều dịp được gặp và trao đổi với các bậc đàn anh.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Xuân Diệu đã ở 9 năm tại các chiến khu Việt Bắc, đã đi theo Đài Tiếng nói Việt Nam và phụ trách một tuần nói một “câu chuyện văn hóa” ở Đài. Các tùy bút này về sau xuất bản thành tập Việt Nam trở dạ. Chính Xuân Diệu đã viết những bài “tiếng thơ” giới thiệu và cổ vũ phong trào thơ của công-nông-binh. Cái tên “Tiếng thơ” của Xuân Diệu đặt đã phát triển thành chương trình Tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam hơn 60 năm nay.
Tôi đã nhiều lần trực tiếp đến gặp nhà thơ Xuân Diệu ở 24 Cột Cờ (nay là phố Điện Biên Phủ) hoặc gọi điện xin thơ, tùy bút, bình luận về thơ. Vốn là người của Đài Tiếng nói Việt Nam cũ, nhà thơ hiểu rõ tác dụng kịp thời của làn sóng điện nên mỗi khi có bài thơ mới, nhà thơ tự mang đến cho chương trình Tiếng thơ và sau đó gửi cho các báo khác. Từ năm 1961 đến 1966, tôi đã dàn dựng và thu thanh cũng như đã đưa vào chương trình Tiếng thơ nhiều bài thơ của Xuân Diệu. Nhiều lúc đùa vui, chúng tôi nhại giọng đọc của Xuân Diệu:
Tổ quốc tôi như một con tàu Mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau... |
“Mũi thuyền ta đó” và tiếng “Cà” kéo dài ra trước khi hạ tiếng “Mau”.
Bài thơ Ông cụ trồng cây của Xuân Diệu được phát thanh dịp mùa xuân 1962. Bài Tên đất nước trở thành tên chiến thắng với những câu thơ thân thuộc như những lời nói thường được phát ngay khi tác giả vừa sáng tác xong mang đến người nghe những kiến thức mới lạ:
- Ôi! những tên đất nước Miền Nam ta! Âm thanh hiền hậu, tiếng đặt nôm na Như cây chùm ruột, như trái chà là, Tổ tiên xưa chắc là không kịp chuốt, Cứ mộc thế, mà yêu thương nhức buốt Những tên nguyên vẹn như thể Tây Nguyên, Những tên từ Đại Nam thực lục tiền biên Thấy cha đang còn khom mình cuốc vỡ, Thấy mẹ đang còn phồng mồm thổi lửa, Cần Thơ, Cần Guộc, Cần Đước dễ nghe, Cái Thia, Cái Sắn, Cái Nước, Cái Bè, Và Cai Lậy - vốn chính là Cái Lậy... Những tên đất hiền không phải chỉ nằm trên giấy, Những tên đứng dậy Với chữ gầm lên Tôi chưa thấy bao giờ hàng nghìn vạn tiếng tên Khắp đất Miền Nam nổi gai cùng một lúc! |
Năm 1983, nhà thơ Trinh Đường cùng với một số nhà thơ khác đã về làng Thuận Vi, xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Chúng tôi được biết từ năm 1964, nhà thơ Xuân Diệu đã có bài Vườn Thuận Vi:
... Cam quýt thêm na, ổi rộn ràng. Hái hoa ngâu rực chiếc nong vàng Canh khuya chợt thức như hoa ngát, Giấc ngủ như là đã ướp hương. |
Chúng tôi sưu tầm và mời thêm một số nhà văn nhà thơ viết về xã Bách Thuận. Tôi lo biên tập tập thơ văn về xã và năm 1983 xã Bách Thuận cho in 3.000 bản tập Hương vườn Bách Thuận. Anh Phạm Văn Thưởng- Chủ tịch UBND xã là một người mê thơ. Anh thuộc nhiều bài thơ trong tập sách và tự hào về tập văn thơ đó. Tôi mang sách và nhuận bút của xã đến 24 Điện Biên Phủ gặp Xuân Diệu trao sách và nhuận bút cho nhà thơ. Xuân Diệu xiết chặt tay tôi và pha cà phê cùng uống:
- Mừng chúng ta cùng có thơ trong tập này.
Năm 1983, tôi được mời dự hội nghị khoa học về “dạy và học tiếng Việt trong nhà trường” tại thị xã Tây Ninh. Nhà thơ Xuân Diệu có đọc một tham luận trong hội nghị. Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh đã mời nhà thơ Xuân Diệu nói chuyện thơ. Xuân Diệu bảo tôi và mấy nhà thơ trẻ khác:
- Anh nhờ các em đến sớm sắp xếp chỗ ngồi nhất là mấy bàn trước dành cho các nữ sinh của trường để cho buổi nói chuyện thêm hào hứng.
Chúng tôi hiểu nhà thơ Xuân Diệu rất kỹ tính khi bình thơ vì thế cùng ban tổ chức, chúng tôi lo sắp xếp người nghe, lo micro, đèn bàn, nước uống để nhà thơ yên tâm trên bục. Buổi nói chuyện thơ của Xuân Diệu được thầy trò trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh và nhân dân thị xã hoan nghênh nhiệt liệt. Khuôn mặt nhà thơ bừng sáng khi chào và cảm ơn thính giả đã lắng nghe ông.
Mấy chục năm nay, hình ảnh của nhà thơ Xuân Diệu bên cạnh các thầy trò cũ của trường Quốc Học Huế đã mang lại niềm tự hào cho trường được treo trang trọng trong phòng truyền thống. Hàng trăm bài thơ của Xuân Diệu còn lưu giữ ở Trung tâm âm thanh Đài Tiếng nói Việt Nam để lại dấu ấn sâu sắc về người khai sinh ra tiết mục Tiếng thơ.
Bài liên quan: